Đại dịch giống COVID-19 có thể xảy ra trong 60 năm nữa?

Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Đại học Duke (Mỹ) tiến hành cho thấy tỉ lệ nhân loại có thể trải qua một đại dịch lớn tương tự như COVID-19 là khoảng 40% và có thể tăng lên đáng kể trong những năm tới.

Được công bố trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ hôm 24-8, nghiên cứu ước tính xác suất xảy ra đại dịch giống COVID-19 qua từng năm vào khoảng 2%. 

Những người sinh trong khoảng thời gian những năm 2000 ước tính có 38% cơ hội sẽ phải trải qua một đại dịch trong đời, hãng Sputnik dẫn thông tin từ bài viết cho hay.

Theo đó, một nạn dịch lớn với những tác động tương tự COVID-19 có thể quay trở lại trong vòng 60 năm tới.

Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Đại học Duke tiến hành cho thấy một nạn dịch lớn như COVID-19 có thể quay trở lại trong vòng 60 năm tới. Ảnh: SPUTNIK

“Cường độ lây lan của dịch bệnh cho thấy các đại dịch cực đoan khác có khả năng xảy ra tương đối cao, một đặc điểm chưa từng được phát hiện trước đây do thời gian quan sát ngắn và phương pháp phân tích thụ động" - các nhà khoa học viết.

"Sử dụng các ước tính gần đây về tốc độ gia tăng dịch bệnh từ các khu vực có liên quan đến việc thay đổi môi trường, chúng tôi ước tính rằng xác suất xuất hiện của các đại dịch hàng năm có thể tăng lên gấp ba lần trong những thập kỷ tới” - các nhà khoa học nhận định thêm.

Ngoài ra, sau khi nghiên cứu về đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử thế giới - dịch cúm Tây Ban Nha, cướp đi sinh mạng của hơn 30 triệu người từ năm 1918 đến 1920 - các nhà nghiên cứu cho rằng có khả năng một đại dịch có cường độ và sức ảnh hưởng lớn như vậy sẽ xảy ra trong vòng 400 năm tới.

Cũng theo các nhà khoa học, một trận đại dịch có thể quét sạch toàn bộ sự sống của con người trên Trái đất có khả năng sẽ xuất hiện sau 12.000 năm nữa, Sputnik đưa tin.

“Điều quan trọng nhất cần rút ra là các đại dịch lớn như COVID-19 và cúm Tây Ban Nha có khả năng xảy ra trong tương lai tương đối cao” - Tiến sĩ William Pan, Phó giáo sư về sức khỏe môi trường toàn cầu tại ĐH Duke và là một trong những tác giả của bài nghiên cứu, khẳng định.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng nghiên cứu của họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia phải biết phản ứng sớm và thích hợp với các đợt bùng phát dịch bệnh, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng y tế cần thiết, cả ở địa phương và toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm