Đại sứ Mỹ ở LHQ: 'Chúng tôi không có gì phải xấu hổ'

Trong cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an (HĐBA) chiều 18-12 (giờ New York, tức rạng sáng 19-12 theo giờ Việt Nam) liên quan đến vấn đề Jerusalem, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết để chặn đường thông qua nghị quyết Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi tất cả quốc gia thành viên không đặt đại sứ quán tại thành phố “trái tim” của ba tôn giáo Do thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo.

Bản dự thảo nghị quyết do Ai Cập đệ trình bày tỏ “sự nuối tiếc sâu sắc đối với những quyết định gần đây liên quan đến hiện trạng của Jerusalem”. Đại sứ Riyad Mansour của Palestine cho biết nước này và Ai Cập đã làm việc sát sao với các thành viên HĐBA khi xây dựng bản dự thảo nghị quyết để đảm bảo có được sự ủng hộ tối đa.

Mỹ là nước duy nhất bỏ phiếu phản đối HĐBA thông qua nghị quyết mới về vấn đề Jerusalem. Ảnh: REUTERS

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố: “Điều chúng ta chứng kiến ngày hôm nay tại HĐBA là một sự sỉ nhục. Nó sẽ không được bỏ qua”. Bà đồng thời chỉ trích sự kiện này tại nghị trường HĐBA là “một điển hình nữa cho thấy LHQ đang gây hại nhiều hơn là làm lợi cho vấn đề xung đột Israel – Palestine”.

Đây là lần đầu tiên Mỹ bỏ phiếu phủ quyết tại HĐBA trong vòng 6 năm qua, bà Haley khẳng định. “Chúng tôi không vui vẻ gì khi hành động như vậy nhưng chúng tôi cũng không do dự. Chúng tôi không có gì phải xấu hổ khi bỏ phiếu phủ quyết để bảo vệ chủ quyền của Mỹ và bảo vệ vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Phần còn lại của HĐBA mới phải cảm thấy xấu hổ” – nữ đại sữ Mỹ chỉ trích cuộc bỏ phiếu của cơ quan quyền lực nhất LHQ.

Sẽ đưa ra Đại hội đồng LHQ

Việc Mỹ bỏ phiếu phủ quyết thật ra không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát. Cuộc bỏ phiếu tại HĐBA chủ yếu thể hiện thái độ của cộng đồng quốc tế đối với động thái của Mỹ liên quan đến tranh chấp Jerusalem. Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Malki trước đó đã tuyên bố sẽ đẩy vấn đề lên Đại hội đồng LHQ trong trường hợp đại sứ Haley dùng quyền phủ quyết ở HĐBA.

Đại sứ Mỹ bày tỏ thái độ tức giận trước cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 18-12. Ảnh: AP

Ông Malki khẳng định nếu nư bà Haley xem “việc bỏ phiếu phủ quyết là kiêu hãnh và sức mạnh (của Mỹ), chúng tôi sẽ cho bà ấy thấy lập trường của Mỹ là đơn độc và không được chấp nhận bởi quốc tế”. Trong khi đó theo tran Arab News, Palestine thật ra có quyền sử dụng một điều khoản trong Hiến chương LHQ yêu cầu các bên có liên quan đến vấn đề cần bỏ phiếu tại HĐBA không được dùng phiếu phủ quyết.

Tuy nhiên, Palestine muốn ưu tiên đẩy vấn đề lên Đại hội đồng theo Nghị quyết “Đoàn kết vì hòa bình” số 377A, theo hãng tin DW của Đức. Điểm thú vị là nghị quyết 377A được thông qua vào năm 1950 và được sử dụng làm căn cứ pháp lý quốc tế để Mỹ triển khai quân đội tham chiến tại bán đảo Triều Tiên. Palestine đã dùng nghị quyết này vào những năm 1990 sau khi Israel bắt đầu cho xây dựng khu dân cư ở phía Nam Jerusalem, tuy nhiên phiên họp này đã bị hoãn vô thời hạn. “Khi nghị quyết bị chặn bởi quyền phủ quyết, phái đoàn của Palestine sẽ gửi một lá thư đến Tổng thư ký LHQ và đề nghị nối lại cuộc họp” – Arab News dẫn lời ông Riyad Mansour.

 Một nghị quyết chỉ được HĐBA thông qua nếu như có ít nhất 9 phiếu thuận từ 15 nước thành viên và không có phiếu phủ quyết nào từ 5 nước thành viên thường trực HĐBA (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ). Năm nước thành viên thường trực của HĐBA không có quyền phủ quyết tại Đại hội đồng LHQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm