Đại sứ quán Saudi Arabia bị đốt

Căng thẳng giữa hai nước lớn Iran và Saudi Arabia đã gia tăng cấp độ sau sự kiện Saudi Arabia xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr.

Báo Le Monde (Pháp) đưa tin đêm 2-1 tại Iran, những người biểu tình đã tấn công đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran. Họ ném chai xăng vào cửa đại sứ quán, sau đó phá cửa xông vào đập phá và phóng hỏa.

Cảnh sát chống bạo động nhanh chóng trấn áp biểu tình và tổ chức sơ tán đại sứ quán trong khi lực lượng cứu hỏa dập lửa.

Lãnh sự quán Saudi Arabia ở TP Mashhad (Iran) cũng bị tấn công. Bộ Ngoại giao Iran đã yêu cầu những người biểu tình không được động đến các cơ sở ngoại giao.

Iran và Saudi Arabia là đối thủ trong khu vực. Iran theo dòng Hồi giáo Shiite trong khi Saudi Arabia theo dòng Hồi giáo Sunni. Xung đột giữa hai dòng Hồi giáo này đã kéo dài hàng ngàn năm nay.

Bởi thế tình hình bùng nổ sau khi Saudi Arabia thông báo hôm 2-1 đã xử tử hình 47 tử tội, trong đó có giáo sĩ Nimr al-Nimr theo dòng Shiite là nhân vật đối lập với chính quyền.

Động thái gom các nhân vật đối lập và phần tử khủng bố xử tử chung với nhau đã tạo ra làn sóng phẫn nộ.

Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran (Iran) bị đốt tối 2-1. Ảnh: TWITTER

Iran lên án Saudi Arabia ủng hộ khủng bố bằng cách loại trừ những người đối lập. Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố Saudi Arabia sẽ phải trả giá đắt. Giới sinh viên kêu gọi tập trung biểu tình.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia phản ứng lại với tuyên bố Iran phát biểu gây hấn, can thiệp vào công việc nội bộ nước khác và triệu đại sứ Iran đến để phản đối.

Bộ Ngoại giao thông báo chính phủ Iran phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bảo vệ các cơ quan đại diện của Iran và các nhân viên Iran trước mọi tấn công.

Quân đội Saudi Arabia được tăng viện đến TP Qatif (tỉnh Ash Sharqiyah) để đề phòng người Shiite bạo động.

Các nước theo Hồi giáo Sunni như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain đã lên tiếng ủng hộ Saudi Arabia. Ngược lại, người dân các nước Hồi giáo Shiite biểu tình phản đối Saudi Arabia.

Tại Bahrain, biểu tình diễn ra tại các làng Shiite ở phía nam thủ đô Manama. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay giải tán.

Tại Yemen, phong trào Houthi thông báo sẽ để tang giáo sĩ Nimr al-Nimr.

Tại Lebanon, Hezbollah lên án Saudi Arabia và chỉ trích Mỹ phải chịu trách nhiệm đạo đức trực tiếp vì ủng hộ cho Saudi Arabia.

Tại Iraq, hàng trăm người biểu tình ở TP Kerbala.

Một số nghị sĩ đảng Dawa (dòng Shiite) kêu gọi chính phủ đóng cửa đại sứ quán Saudi Arabia ở Baghdad (mới mở lại ngày 15-12-2015), trục xuất đại sứ và xử tử bọn khủng bố Saudi Arabia bị giam ở Iraq.

Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi cảnh báo nguy cơ bất ổn sẽ xảy ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby thông báo vụ xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong cộng đồng Shiite vào thời điểm cần khẩn cấp xoa dịu.

Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực tăng gấp đôi nỗ lực để tránh leo thang căng thẳng khu vực.

Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini bày tỏ lo ngại vụ xử tử có thể kích động thêm căng thẳng. Bà kêu gọi Saudi Arabia tiến hành hòa giải giữa các cộng đồng, đồng thời đề nghị các bên thể hiện kiềm chế và tinh thần trách nhiệm.

Ngày 3-1, Giáo chủ Ali Khamenei, lãnh tụ tinh thần tối cao ở Iran, tuyên bố bàn tay thượng đế sẽ báo thù cho vụ xử tử giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr và cơn thịnh nộ của thượng đế sẽ giáng xuống chính quyền Saudi Arabia. Cùng ngày, cảnh sát đã bắt giữ 40 người biểu tình tham gia đập phá đại sứ quán Saudi Arabia.

_______________________________

47 tử tội bị xử tử ngày 2-1 tại 12 địa phương ở Saudi Arabia, trong đó phần lớn là các phần tử Al Qaeda, đặc biệt có Fares Al-Shuwail, thủ lĩnh tinh thần Al Qaeda ở Saudi Arabia bị bắt hồi tháng 8-2004. Ngoài ra còn có một số người dòng Shiite bị kết án sử dụng bạo lực với cảnh sát trong biểu tình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm