Đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ

Sáng 16-7 (giờ địa phương), một máy bay trực thăng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ cánh xuống sân bay Alexandroupolis (miền Bắc Hy Lạp). Tám người mặc quân phục đi trên máy bay xin tị nạn và bị bắt. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Hy Lạp cho dẫn độ nhưng Hy Lạp trả lời đang xem xét.

Nhóm binh sĩ đảo chính tự phát

Tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), sáng cùng ngày, quân đảo chính đã hạ vũ khí đầu hàng. Thủ tướng Binali Yildirim thông báo tình hình đã hoàn toàn được kiểm soát.

Hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin Thủ tướng Binali Yildirim thông báo 2.839 binh sĩ tham gia đảo chính bị bắt. Bộ trưởng Nội vụ Efkan Ala thông báo có năm sĩ quan cấp tướng và 29 sĩ quan cấp tá bị lột quân hàm.

Thủ tướng cho biết có 161 người chết và 1.440 người bị thương trong đảo chính (không kể quân đảo chính). Tướng Umit Dundar, quyền tổng tham mưu trưởng quân đội, thông báo 104 binh sĩ quân đảo chính bị tiêu diệt.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là quân đội đông nhất về quân số trong khối NATO chỉ sau Mỹ. Quân đội đã tổ chức ba vụ đảo chính vào những năm 1960, 1971, 1980 và ép buộc chính phủ theo xu hướng Hồi giáo phải ra đi êm thấm năm 1997. Ngoại trừ vụ đảo chính năm 1960, các vụ đảo chính còn lại đều do cấp chóp bu quân đội thực hiện.

Trong vụ đảo chính đêm 15-7, các quan chức quân đội đã tố cáo đây là hành động bất hợp pháp do một nhóm binh sĩ thực hiện.

Người dân leo lên xe tăng trên cầu Bosphorus ở Istanbul sau khi quân đảo chính đầu hàng. Ảnh: ANADOLU

Trước nửa đêm 15-7, quân đảo chính công bố trên đài truyền hình quốc gia một thông cáo lấy danh xưng “Hội đồng hòa bình đất nước”. Thông cáo còn được đưa lên trang web của bộ tổng tham mưu quân đội.

Thông cáo cho biết “quân đội Thổ Nhĩ Kỳ” đã kiểm soát cả nước, đồng thời ban bố tình trạng thiết quân luật và giới nghiêm trên toàn quốc cho đến khi có lệnh mới. Thông cáo cho rằng cần chiếm quyền lực “để bảo đảm và tái lập trật tự hiến pháp, dân chủ, nhân quyền, tự do và nhà nước pháp quyền”. Thông cáo khẳng định mọi hiệp ước và cam kết quốc tế đều giữ nguyên giá trị.

Báo Time ghi nhận cách sử dụng từ ngữ trong thông cáo cho thấy quân đảo chính có thể là những người theo chủ nghĩa Kemal (mang tên người sáng lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk).

Những người theo chủ nghĩa Kemal chủ trương đường lối thế tục, dân tộc chủ nghĩa, phản đối xu hướng Hồi giáo của Tổng thống Erdogan. Thông cáo của “Hội đồng hòa bình đất nước” có trích dẫn câu của Mustafa Kemal Ataturk: “Hòa bình trên thế giới. Hòa bình trong xứ sở”.

Giáo sĩ Fethullah Gulen là ai?

Rạng sáng 16-7, từ nơi nghỉ hè ở bờ biển tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã về đến sân bay Ataturk ở Istanbul. Tại đây đã có hàng ngàn người ủng hộ chào đón ông. Phát biểu trước đám đông, ông Erdogan khẳng định giáo sĩ Fethullah Gulen và phong trào của giáo sĩ này đứng sau vụ đảo chính.

Theo CNN, giáo sĩ Fethullah Gulen, 75 tuổi, sống ẩn dật tại vùng rừng núi Poconos thuộc bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1999. Ông là người cầm đầu phong trào Hizmet (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là “Phục vụ”).

Phong trào Hizmet phát triển rất mạnh với mạng lưới các trường học trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, phong trào Hizmet có ảnh hưởng trong báo chí, cảnh sát và tòa án.

Chuyên gia Sam Brannan ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ nhận xét phong trào Hizmet hoạt động như giáo phái Mormon ở Mỹ. Những người tham gia phong trào Hizmet giúp đỡ nhau làm ăn và truyền đạo. Sức mạnh tài chính đến từ những người ủng hộ dành thời gian và tiền bạc lo cho phong trào, từ sinh viên, bà nội trợ cho đến doanh nhân.

Trước đây, giáo sĩ Fethullah Gulen và Tổng thống Erdogan vốn là đồng minh với nhau. Ban đầu ông Erdogan lợi dụng mạng lưới của phong trào Hizmet để củng cố quyền lực.

Đến cuối năm 2013 thì quan hệ đồng minh tan vỡ sau khi xảy ra vụ tai tiếng tham nhũng được cho là đánh vào những người thân cận của ông Erdogan lúc ông giữ chức thủ tướng. Trong vụ này có bốn bộ trưởng, hàng chục chủ doanh nghiệp, nghị sĩ liên can đến pháp luật vì kinh doanh phi pháp.

Ông Erdogan hô lên đây là âm mưu từ Thổ Nhĩ Kỳ và nước ngoài nhằm lật đổ chính phủ. Ông lên án giáo sĩ Fethullah Gulen muốn lập một nhà nước song song nhằm lật đổ ông.

Sau đó là một cuộc thanh trừng chưa từng thấy. Hàng trăm sĩ quan quân đội và hàng ngàn cảnh sát bị đuổi việc. Các trường học tư do phong trào Hizmet mở bị đóng cửa. Báo nào bị nghi có cảm tình với giáo sĩ Fethullah Gulen đều không tồn tại.

Phản ứng của thế giới

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố: “Điều quan trọng là tái lập quyền lực dân sự và trật tự hiến pháp”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini ra thông báo chung ủng hộ chính quyền của Tổng thống Erdogan và yêu cầu không giải quyết căng thẳng bằng súng đạn.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi “tôn trọng hoàn toàn các định chế dân chủ và hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ”.

• Tổng thống Obama kêu gọi các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ “ủng hộ chính quyền được bầu cử dân chủ của Tổng thống Erdogan”, thể hiện kiềm chế và tránh bạo lực hay tắm máu.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov yêu cầu giải quyết vấn đề ở Thổ Nhĩ Kỳ theo cách tôn trọng hiến pháp.

Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif của Iran (nước láng giềng với Thổ Nhĩ Kỳ) tuyên bố: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại trước các diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ổn định, dân chủ và an ninh cho người Thổ Nhĩ Kỳ là quan trọng hơn hết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm