Điều gì ở phía sau tốc độ tiêm chủng nhanh của Trung Quốc?

Sau nhiều tháng trì trệ, tốc độ chủng ngừa COVID-19 ở Trung Quốc (TQ) tăng nhanh từ tháng 5. Chỉ trong tháng 5, số liều vaccine TQ tiêm cho dân (639 triệu liều) đã cao hơn gấp đôi so với tổng số liều TQ tiêm kể từ khi phát động chiến dịch đến hết tháng 4 (265 triệu liều). Đến tháng 6, trung bình mỗi ngày TQ tiêm khoảng 18,25 triệu liều.

Tính đến cuối tuần rồi (ngày 20-6), TQ đã tiêm được 1,01 tỉ liều, trong đó 223 triệu người đã được tiêm đủ hai liều và hiện đang suôn sẻ tiến đến mục tiêu giai đoạn 1: Tiêm cho 40% dân số 1,4 tỉ người vào cuối tháng này.

 

Thành công của chương trình vaccine và phản ứng xã hội phụ thuộc vào lực lượng truyền thông đáng tin tưởng, độc lập, có trách nhiệm của chúng ta. Có những vấn đề mà người dân có thể hiểu được nếu truyền thông làm tốt công việc của mình. Tôi không cảm thấy thuyết phục khi các chuyên gia và nhà chức trách đổ lỗi cho người dân khi chính họ đã thất bại trong việc đưa thông tin đến dân chứ không phải ngược lại.

GS BARUCH FISCHHOFF,
Viện Chính trị - Chiến lược - Kỹ thuật - Chính sách công thuộc
ĐH Carnegie Mellon (Mỹ)

Tốc độ tiêm chủng tăng nhanh đáng ngạc nhiên

Theo báo South China Morning Post, hiện TQ cần chỉ khoảng sáu ngày để tiêm cho 100 triệu người, tốc độ rất nhanh nếu so với cần tới 25 ngày để tiêm cho chừng này người trong giai đoạn đầu TQ mới kích hoạt chương trình tiêm chủng toàn quốc. Điều gì nằm sau bước tiến đáng ngạc nhiên này?

Khi chương trình tiêm chủng bắt đầu ở TP Thẩm Dương, tỉnh Liêu Binh hồi cuối tháng 4, cô Lý hầu như bàng quan, chẳng thấy có áp lực phải đăng ký tiêm. Có hai lý do chính: Trước khi chương trình tiêm chủng được kích hoạt, TP Thẩm Dương không hề ghi nhận bất kỳ ca nhiễm cộng đồng nào trong nhiều tháng, cô Lý thấy mình không nhiều rủi ro nhiễm vì thỉnh thoảng mới phải ra khỏi nhà đi chợ mua thức ăn nên chỉ cần đeo khẩu trang là đủ.

Người dân TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc xếp hàng tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: CHINA NEWS

Tuy nhiên, vài tuần sau thì cô Lý thay đổi suy nghĩ khi xuất hiện ba ca nhiễm trong TP. Cách nghĩ của cô Lý cũng là cách nghĩ chung của rất nhiều người dân TQ. Cô Lý sau đó phải ba lần lui tới trung tâm tiêm chủng mới được tiêm, vì cứ mỗi sáng cô đến thì luôn “có ít nhất 500 người xếp hàng trước tôi”, “nhiều cụ bà còn xếp hàng từ 5 giờ sáng”.

Đây cũng là khung cảnh chung ở khắp TQ thời gian này. Có thể thấy người dân TQ đã vượt qua sự ngần ngại, miễn cưỡng ban đầu để đi tiêm vaccine. Nhiều người thậm chí còn di chuyển sang các địa phương khác để được tiêm.

Nỗi lo bị nhiễm lớn hơn nỗi lo vaccine

Theo South China Morning Post, sở dĩ tốc độ tiêm vaccine lúc đầu còn chậm vì người dân còn bi quan, nghi ngờ, thậm chí sợ tiêm. Người dân thay đổi nhận thức và hợp tác tiêm vaccine là một lý do chính đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và giúp TQ đạt được tỉ lệ tiêm chủng cao như hiện tại.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhu cầu cao về vaccine không có nghĩa với việc người dân không còn lo ngại về độ an toàn của vaccine nữa, mà vì họ quyết định bỏ qua nỗi lo này để đổi lấy việc được an toàn trước dịch bệnh. Các ổ dịch ở các tỉnh Liêu Ninh, An Huy, Quảng Đông làm người dân TQ không thể nghĩ rằng dịch COVID-19 đã được kiểm soát hoàn toàn ở TQ.

Nhà thần kinh học Zhuang Shilihe tại Công ty tư vấn Saint Luchia ở TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (TQ), đã từng viết trên mạng xã hội nhiều thông tin về tiến trình phát triển các loại vaccine. Ông cho biết thời gian trước, ông nhận rất nhiều tin nhắn hỏi có nên tiêm hay không. Sau đó xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng và lượng người hỏi không còn nhiều nữa. Theo ông, người dân chấp nhận tiêm vaccine sau khi cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, việc xuất hiện các ổ dịch mới là chất xúc tác khiến họ quyết định nhanh hơn.

Theo ông Alex Cook, trợ lý giáo sư tại Trường Y tế công cộng Saw Swee Kock thuộc ĐH Quốc gia Singapore, các ổ dịch có thể khiến người dân cảm thấy cấp thiết phải tiêm vaccine, dù họ chưa phải đã vượt qua hoàn toàn các rào cản về tâm lý để chấp nhận vaccine.

Không tiêm phải đối mặt nhiều bất tiện

Chuyện để người dân đi tiêm vaccine ở các địa phương đang không có ổ dịch có phần khó khăn hơn và chính quyền các địa phương này đã dùng tới nhiều biện pháp khuyến khích người dân đi tiêm. Đó có thể là quà tặng dưới nhiều hình thức cho người tiêm đủ hai liều như phiếu tiền mặt, dầu ăn, sữa, trứng, thậm chí khăn giấy. Các cửa hàng hay các tòa nhà nếu có ít nhất 80% nhân viên hay dân cư chịu tiêm được hoan nghênh công khai. Người từ 60 tuổi trở lên chịu tiêm sẽ được vinh danh.

Một số trường hợp, việc tiêm vaccine là bắt buộc. Đó là những người làm việc trong các công sở, các công ty nhà nước, các cơ quan chính phủ, các ngành dịch vụ thiết yếu.

Trong khi đó, những người không tiêm vaccine phải đối mặt với vô số bất tiện. Đầu tháng này, chính quyền nhiều TP, huyện ở tỉnh Hà Bắc thông báo rằng chỉ những cư dân chứng minh được mình đã được tiêm vaccine và chưa từng đến các khu vực có ca nhiễm mới được phép đến các địa điểm công cộng như bệnh viện, siêu thị, nhà hàng, rạp chiếu phim.

Nhiều trung tâm mua sắm và tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh và Thượng Hải cũng từng hạn chế người chưa tiêm vaccine vào, tuy nhiên thời gian sau này các hạn chế này đã được dỡ bỏ vì bị phàn nàn nhiều.•

Trung Quốc sử dụng bảy loại vaccine nội địa ngừa covid-19

Trao đổi với đài CCTV đầu tuần này, nhà bệnh dịch học Shao Yiming tại Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh TQ, thành viên đội phản ứng vaccine COVID-19 quốc gia, ước tính nước này phải tiêm cho 80%-85% dân số (tức hơn 1 tỉ dân, cần hơn 2,2 tỉ liều) thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là mức thay đổi lớn so với ước tính 70% dân số mà Ủy ban Y tế Quốc gia TQ đưa ra trước đó. Ông Shao nói ông đưa ra ước tính này dựa vào tính lây lan mạnh của virus, cũng như vì tỉ lệ hiệu quả bảo vệ của vaccine còn hạn chế.

South China Morning Post có nhắc đến thực tế còn quá ít thông tin về hiệu quả các loại vaccine TQ được công khai. Hiện chỉ một trong bảy loại vaccine COVID-19 được TQ phê duyệt (toàn bộ là vaccine nội địa) có công bố dữ liệu các giai đoạn thử nghiệm 1-2-3 trên tạp chí khoa học. Có hai loại vaccine chưa tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 nhưng đã được cấp phép dùng khẩn cấp.

Theo thông tin từ báo Wall Street Journal thì TQ đang xem xét dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của vaccine Pfizer/BioNTech và có thể sẽ cấp phép cho vaccine này lưu hành tại TQ vào tháng 7.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm