Đô đốc Mỹ: Tạm dừng tuần tra biển Đông

Đô đốc Scott Swift phát biểu tại một cuộc họp ở Singapore ngày 8-5 cho biết: "Chúng tôi vừa trải qua một cuộc chuyển giao chính trị. Tôi không ngạc nhiên khi quá trình này tiếp tục trong một cuộc đối thoại vì chính quyền mới đã ổn định và quyết định nơi nào thích hợp để tận dụng những cơ hội này".

"Chúng tôi chỉ trình lên những cơ hội khi chúng tôi có một con tàu trong khu vực và có một khu vực quan tâm” - ông cũng nói thêm rằng Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đề xuất các hoạt động như vậy. Ông khẳng định "không có bất cứ thay đổi nào trong chính sách” ở Biển Đông dưới thời ông Trump.

Cờ Trung Quốc và cờ Mỹ trêm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Xian của Trung Quốc vào ngày 8-7-2016. Con tàu này được neo đậu tại căn cứ Pearl Harbor-Hickam, Hawaii cho cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương. Ảnh: STRIPES

Kể từ khi ông Trump nhận chức, Mỹ đã không tiến hành bất kỳ hoạt động tự do hàng hải (FONOP) nào, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết. Kế hoạch tự do hàng hải này của Mỹ đã nhận không ít phản đối từ phía Trung Quốc. Trung Quốc đã xây dựng các đường băng quân sự và tăng cường sự hiện diện của hải quân nước này ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã tạm thời trì hoãn việc nối lại tuần tra ở Biển Đông trong những tuần đầu tiên của chính quyền Trump vì ông muốn tìm kiếm một chiến lược vững chắc hơn. Ông Mattis đã sớm chấp thuận việc nối lại tuần tra, tuy nhiên sau đó ông muốn cân nhắc kỹ lại chiến lược này một lần nữa, theo một quan chức giấu tên.

Trước đó ông Trump đã chỉ trích Trung Quốc vì hoạt động khai hoang các bãi đá và rạn san hô ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Tuy nhiên, giờ ông Trump lại tuyên bố hy vọng vào sự hợp tác với Bắc Kinh để kiềm chế Triều Tiên và thường xuyên khen ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc tại cảng Dalian, tỉnh Liêu Ninh ngày 26-4-2017. Ảnh: XINHUA

Các nhà lãnh đạo của ASEAN cũng cho thấy những tín hiệu nhằm cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc. Sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila, Philippines hồi cuối tháng 4, các nước đã tuyên bố "hợp tác tiến bộ giữa ASEAN và Trung Quốc" ở Biển Đông. Các nước cũng ủng hộ "tiến tới hoàn thành khuôn khổ  Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)" vào giữa năm nay.

Đô đốc Swift cho biết quá trình đề xuất các hoạt động tự do hàng hải vẫn không thay đổi. Ông nói việc thực hiện các hoạt động tuần tra này sẽ mang lại lợi thế cho Mỹ, nhấn mạnh cảm giác không chắc chắn ở châu Á kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

"Từ cảm giác không chắc chắn đó đã gây ra một mối lo lắng trong khu vực. Mọi người có thể tranh luận rằng, các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông sẽ là một cách để làm dịu đi cảm giác không chắc chắn đó" - ông nói. 

Tuy nhiên, ông cũng cho biết những quan ngại về cam kết của Mỹ tại Biển Đông không phải là chuyện mới xảy ra. "Tôi nghĩ nếu toàn bộ lực lượng Hải quân Mỹ được triển khai sang phía Tây Thái Bình Dương thì vẫn sẽ có cảm giác không chắc chắn về việc cam kết hành động. Đó không phải là về Mỹ, mà là cảm giác không chắc chắn và lo lắng trong khu vực" - Đô đốc Swift nói

Đô đốc Swift cũng cho biết ông không quan tâm đến việc việc Trung Quốc vừa hạ thủy tàu sân bay thứ hai của nước này. "Nếu một quốc gia có nền kinh tế toàn cầu thì cũng cần có một lực lượng hải quân toàn cầu để đảm bảo nền kinh tế đó. Trung Quốc hiện đang nổi lên trên trường quốc tế. Nếu Trung Quốc nghĩ họ cần tàu sân bay để hỗ trợ cho chiến lược hàng hải thì tôi không quan tâm đến điều đó" - ông Swift nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm