Đối thoại Alaska: Mỹ-Trung sẽ nói gì?

Cuộc đối thoại Mỹ-Trung cấp bộ trưởng đầu tiên từ khi Mỹ thay tổng thống diễn ra tại TP Anchorage, bang Alaska (Mỹ) trong ngày 18-3 (giờ địa phương). Tham dự về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, về phía Trung Quốc (TQ) có Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì. Hiện đã bắt đầu xuất hiện một số thông tin về các vấn đề mà mỗi bên sẽ đem ra bàn đàm phán. Dù vậy, giới chuyên gia đến nay vẫn không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả của sự kiện này bởi mâu thuẫn hai bên không thể được giải quyết ngày một ngày hai.
 Họ đã nói
Điều kiện tiên quyết cho đối thoại và giao tiếp giữa bất kỳ quốc gia nào là hai bên phải có tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Tôi hy vọng cả hai bên sẽ đến với sự chân thành và ra về với sự hiểu biết nhiều hơn về nhau. Lạm dụng việc gây sức ép ngoại giao và cấm vận đơn phương chỉ dẫn tới ngõ cụt.
Đại sứ TQ tại Mỹ THÔI THIÊN KHẢI
Trung Quốc muốn được gỡ bỏ trừng phạt thời ông Trump
Về phía TQ, tờ The Wall Street Journal ngày 17-3 dẫn nguồn tin nội bộ giới lãnh đạo nước này tiết lộ ông Dương và ông Vương dự kiến sẽ tìm cách thuyết phục chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhắm vào công ty và quan chức TQ bị áp đặt dưới thời tổng thống Donald Trump. Nếu Mỹ bày tỏ thiện chí theo yêu cầu của TQ thì nước này cũng dỡ bỏ các lệnh cấm tương tự vào công ty, quan chức Mỹ. 
Nguồn tin không nói rõ cụ thể phía TQ muốn dỡ bỏ nội dung trừng phạt nào nhưng The Wall Street Journal dự đoán sẽ là lệnh hạn chế công ty Mỹ bán linh kiện sản xuất cho tập đoàn công nghệ Huawei và tập đoàn sản xuất chip xử lý SMIC - hai đầu tàu của nền công nghiệp công nghệ cao của TQ. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể cũng sẽ muốn được dỡ bỏ các lệnh hạn chế nhập cảnh đối với đảng viên đảng Cộng sản, sinh viên, học giả TQ. 
Một số vấn đề khác nhiều khả năng cũng sẽ được TQ đem ra đàm phán là các lệnh siết chặt quản lý các hãng truyền thông nước này tại Mỹ và lệnh đóng cửa Tổng lãnh sự quán TQ ở Houston. Vấn đề đầu tiên, ít nhất 15 cơ quan truyền thông TQ có trụ sở thường trú tại Mỹ bị xếp vào nhóm phái bộ nước ngoài dưới thời ông Trump và buộc phải khai báo đầy đủ thông tin nhân sự và bất động sản đang sở hữu cho Bộ Ngoại giao. Ở vấn đề thứ hai, Tổng lãnh sự quán TQ đóng cửa từ tháng 7 năm ngoái và tới nay vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được mở cửa lại. 
Theo chuyên gia Daniel Russel thuộc Viện Nghiên cứu chính sách xã hội châu Á (Mỹ), các thông tin trên cho thấy Bắc Kinh có vẻ vẫn sẽ như mọi lần là tận dụng các đợt đối thoại cấp cao với Mỹ để phản ứng lại các động thái của Washington, tức không đưa ra các điểm mới mà chỉ tập trung hướng cuộc đối thoại xoay quanh lập trường của phía Mỹ. 
“Đây có thể lại là một chỉ dấu khác cho việc cuộc họp ngày 18-3 có thể sẽ kết thúc trong thất vọng như các cuộc họp trước đó, mặc cho việc đây là cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo hai bên sau gần bốn năm đối đầu căng thẳng” - ông Russel nhận định.

(Từ trái qua) Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị TQ Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ tham gia cuộc họp sắp tới ở bang Alaska.
Ảnh minh họa: THE NIKKEI

Mỹ muốn đối thoại thẳng thắn 
Về phía Mỹ, trong cuộc họp báo qua điện thoại mới đây, hai quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên xác nhận phía Mỹ sẽ đề cập đến các vấn đề mà TQ xem là nhạy cảm trong quan hệ hai nước như tình hình Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan.
“Nói chung là chúng tôi kỳ vọng có thể đưa được những vấn đề nóng nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có dính líu tới hành động TQ lên bàn đàm phán và nói chuyện thẳng thắn với họ. Chúng tôi muốn họ nhận thức rõ ràng là những gì chúng tôi nói công khai với thế giới và những gì sẽ nói riêng với họ là nhất quán và xuyên suốt. Mục đích chúng tôi muốn đạt được là truyền tải rõ ràng ý định và lập trường của chúng tôi và nắm rõ lập trường của TQ” - hai quan chức Mỹ khẳng định. 
Hai người này cho biết thêm là giới chức Washington hiện chưa có ý định sẽ thiết lập cơ chế đối thoại lâu dài, thường xuyên với TQ sau cuộc đối thoại này. Bên cạnh đó, sự có mặt của quan chức hàng đầu về ngoại giao (ông Blinken) và quan chức hàng đầu về an ninh (ông Sullivan) sẽ khiến mọi ý đồ “chia rẽ nội bộ Mỹ” như TQ hay làm lâu nay sẽ nhanh chóng thất bại, theo hai nguồn tin này.
Ngay sau cuộc họp báo nói trên, Thượng viện Mỹ ngày 17-3 đã chính thức phê chuẩn đề cử bà Katherine Tai làm đại diện thương mại thay cho người tiền nhiệm Robert Lighthizer với 98 phiếu thuận, 0 phiếu chống. Đáng chú ý là bà Tai là phụ nữ da màu Mỹ gốc Đài Loan đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này. Bà cũng nhiều lần công khai quan điểm tiêu cực về TQ và cam kết sẽ cùng các đồng minh của Mỹ lập mặt trận thống nhất đối phó với một TQ ngày càng quyết liệt.•
 Lãnh đạo Trung Quốc đánh tiếng tích cực trước giờ G
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ TQ, ngày 17-3 cho đăng bài xã luận khẳng định hiện nay là thời điểm hợp lý để khôi phục quan hệ Mỹ-Trung đang tuột dốc không phanh sau nhiều năm đối đầu căng thẳng. Phái đoàn TQ đến đối thoại với lãnh đạo Mỹ ở bang Alaska để tái khẳng định lập trường rằng cả hai nước nên tập trung xây dựng lòng tin lẫn nhau, tránh những tính toán sai lầm dẫn tới xung đột không đáng có.
“TQ có câu “đường đi ngàn dặm bắt đầu từ bước đầu tiên”. Việc tái khởi động quan hệ hữu nghị Mỹ-Trung là một nỗ lực hết sức khó khăn nhưng rất cần thiết và cuộc họp sắp tới sẽ là bước đầu tiên” - Tân Hoa Xã cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm