Đón tết Việt tại Mỹ, Canada

Đón tết Việt tại Mỹ, Canada ảnh 1

Chuẩn bị làm bánh chưng. Người Việt tại Mỹ đón tết cổ truyền Việt Nam luôn có món bánh chưng. Ảnh: LAT

Người Việt tại Mỹ: đón năm mới với bánh chưng

Người Mỹ gốc Việt ăn tết với bánh chưng, nhưng để thích nghi cuộc sống bận rộn ở Mỹ, các loại bánh này được các tiệm bánh mì sản xuất thay vì làm tại nhà. Nhiều khách hàng đến tiệm bánh mì Tân Hoàng Hương tại Santa Ana (California) vài ngày trước tết. Quà tặng gồm kẹo, trái cây khô đóng gói có giấy đỏ trang trí trưng đầy cửa hàng. Tiệm bánh đầy mùi thơm của bánh chưng, bánh gạo gói lá chuối có nhâǹ đậu, thịt heo. Tân Hoàng Hương đã làm khoảng 5.000 chiếc bánh dịp tết âm lịch năm nay.

Nguyễn Ái Linh đã lấy ở tiệm chín chiếc bánh chưng để biếu cha mẹ và bạn bè. Sau đó cô quyết định mua thêm bánh cho mình nên đã lái xe từ Mission Viejo quay lại tiệm bánh buổi chiều 28 tháng chạp mua thêm. "Trong những ngày tết, bạn phải ăn bánh chưng vì nó là truyền thống. Với tôi, bánh chưng ngon hơn trong dịp tết. Tôi thích vị của nó", Linh nói. Tết cổ truyền Việt Nam không có bánh chưng giống như lễ Tạ ơn của Mỹ mà không có gà tây. Chiếc bánh chưng vuông vắn với màu xanh bên trong khi lột lá có mặt hầu hết trong các gia đình Việt tại đây.

Tại quê nhà, gia đình và bạn bè tụ tập chuẩn bị gói bánh bằng tay, mọi người quây quần quanh bếp vì công đoạn luộc bánh đã mất hơn 10 giờ. Nhưng ở Mỹ, cuộc sống bận rộn hơn và ngày tết cũng ngắn hơn, do đó người Mỹ gốc Việt thường mua bánh tại các tiệm làm bánh. Bà Lưu Lan, 40 tuổi, có một tiệm làm bánh, cho biết: "Chẳng kiếm được nhiều tiền khi bán bánh chưng. Không nhiều người có thời gian để làm việc này, mất rất nhiều công sức. Một chiếc bánh hoàn tất, được thắt nơ đỏ, bán từ 12-15 USD”, bà Lưu cho biết.

Bà Lưu nói: “Bánh chưnǵ mang lại cảm giác tết cho chúng tôi. Không có nhiều cảm giác về tết tại Mỹ. Đôi khi tết rơi đúng vào ngày trong tuần và mọi người không được nghỉ làm nên họ không thể thăm bà con, trong khi tại Việt Nam có cả tuần để chuẩn bị và hưởng tết".

Trong những năm 1980, các loại bánh làm từ gạo hiếm thấy trên đường phố Little Saigon, Quận Cam. Người Mỹ gốc Việt bắt đầu định cư tại khu vực Westminster sau năm 1975. Các nguyên liệu làm bánh khó kiếm, dụng cụ gói bánh khó tìm. "Người dân sẽ mua bánh với bất kỳ kích thước và hình dạng nào. Họ không quan tâm nó xấu đẹp”, bà Lưu cho biết. Vì vậy, bà Lưu và gia đình chồng bắt tay làm bánh. Cả gia đình tập trung trong bếp hàng tuần trước tết, làm bánh và bán những chiếc bánh chưng đầu tiên tại những chợ Việt Nam ở đây. Sau cùng, họ mở một cửa hàng bánh và chuyên bán bánh chưng dịp tết, cùng với những món ngon năm mới khác cho người Việt tại đây những hương vị quê nhà, đặc biệt là tết năm nay đúng vào dịp cuối tuần.

Canada: thành phố Lethbridge đón mừng năm mới cùng người Việt

Người Canada gốc Việt và bạn bè tại thành phố Lethbridge, tỉnh Alberta, Canada cùng nhau đón giao thừa tết âm lịch 2010 hôm 13.2. Mọi người đến tham dự đều phải đăng ký, và sau khi hát quốc ca của Canada và Việt Nam, buổi lễ chuyển sang phần đặc biệt. Một phần quan trọng là tôn vinh người lớn tuổi. Họ được xếp ngồi ở vị trí trung tâm, trên sân khấu, trước bàn thờ để người trẻ đến chúc mừng tôn vinh. Trong buổi lễ có cúng thức ăn, trái cây. Sau khai mạc, trẻ em được người lớn chúc lành và lì xì. Lời chúc mừng năm mới được ban tổ chức phát biểu, sau đó những trẻ nhỏ nhất chúc tết bằng tiếng mẹ đẻ. "Đây là việc quan trọng với họ. Tất cả đều vui mừng và mong chờ giây phút mừng lễ", ông Trần Đạt, một thành viên ban tổ chức nói.

Một nhóm nhạc tham gia góp vui. Tất cả cùng tham dự bữa tiệc tối với những món ăn đặc biệt và rượu đế. Các gia đình người Việt tại đây theo nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng đều duy trì những nét văn hóa dân tộc, và không gặp khó khăn khi khuyến khích con cái quan tâm đến các hoạt động kỷ niệm và văn hóa cổ truyền.

Ông Trần là người Việt độc thân đầu tiên đến Lethbridge. Ông kể khi đó, viên chức nhập cư tại Calgary đề nghị ông ở lại Calgary, vì sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nhưng ông đã đề nghị đến Lethbridge vì ông cho rằng hợp với một cậu bé đến từ thị trấn nhỏ như ông. Ông kể, có thời gian số lượng người Việt tại Lethbridge lên đến 1.000, sau đó nhiều người chuyển sang các nơi khác. Hiện nay, một số quay về và cộng đồng Việt tại đây đang lớn mạnh trở lại.

Ông Trần cho biết kế hoạch năm sau sẽ tổ chức lễ mừng năm mới kéo dài hai ngày để cộng đồng Việt Nam mời thêm nhiều người dân tại nam Alberta cùng chia sẻ sự kiện văn hóa quan trọng của dân tộc.

K.D (Los Angeles Times, lethbridgeherald)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm