ĐS Philippines ở Bắc Kinh lên tiếng việc TQ bồi lấp đá Subi

Báo Inquirer dẫn lời ông Jose Sta. Romana - đại sứ Philippines tại Trung Quốc - ngày 27-3 cho biết Manila sẽ nêu vấn đề liên quan việc Bắc Kinh tiếp tục hoạt động xây dựng trái phép tại đá Subi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Trung Quốc chiếm đóng trái phép) trong cuộc họp tiếp theo giữa quan chức hai nước.

Động thái trên là phản ứng của đặc phái viên Philippines trước một báo cáo gần đây của Simularity, công ty nghiên cứu chuyên phân tích dữ liệu vệ tinh có trụ sở tại Mỹ, cho thấy các "hoạt động xây dựng đáng kể" của Trung Quốc trên đá Subi.

Khu vực rộng 2,85 ha mà Trung Quốc mới bồi lấp trái phép ở đá Subi. Ảnh: SMCP chụp màn hình từ kho ảnh của MAXAR

Phát biểu trong cuộc họp báo ở khu Laging Handa thuộc thành phố Quezon của Philippines, ông Sta. Romana hôm 27-3 cho biết Manila từ lâu đã phản đối việc Trung Quốc cải tạo các thực thể là bãi đá ngầm nhằm xây dựng đảo nhân tạo phi pháp.

Ông cho biết Bộ Ngoại giao Philipines đang nghiên cứu vấn đề và sẽ đưa ra quyết định dựa trên đó.

“Sẽ có các cuộc đối thoại, các cuộc đối thoại ngoại giao, đang được lên kế hoạch nhằm trao đổi về những vấn đề đáng quan tâm này và chúng tôi hy vọng sẽ nêu bật các vấn đề này với phía Trung Quốc” - ông Sta. Romana cho hay.

Trước đó, công ty Simularity hôm 24-3 đã công bố báo cáo cho biết đã theo dõi “chủ yếu là sự định hình và cấu hình lại của đất liền” trên đá Subi từ ngày 6-11-2020 đến ngày 7-3.

“Khối lượng thay đổi là đáng kể và có thể cho thấy giai đoạn đầu của quá trình xây dựng lớn trên đá Subi” - báo cáo của Simularity nêu rõ.

Trước đó, tờ South China Morning Post ngày 24-3 dẫn hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ vũ trụ Maxar (Mỹ) ghi lại cho thấy Trung Quốc đã bồi đắp một khu vực mới tại đá Subi.

Theo một ảnh mà tờ báo tiếp cận được từ Maxar, Bắc Kinh đã bồi đắp một khu vực rộng khoảng 2,85 ha tại rìa phía nam rặn san hô ở đá Subi.

Theo Maxar, một mô hình tròn đang được xây dựng ở một góc khu vực mới được bồi lấp trái phép, cho thấy Bắc Kinh có thể muốn xây dựng một tòa nhà hoặc một vòm che radar.

South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Quốc tế học S. Rajaratnam (Singapore) nhận định: "Công trình có thể cho phép thực hiện các hoạt động quy mô lớn, có lẽ thích hợp hơn cho trực thăng hạ cánh và thậm chí là một địa điểm cho các hệ thống vũ khí di động hoặc các cảm biến".

Từ năm 2013, hoạt động nạo vét bắt đầu được đẩy mạnh ở bảy thực thể do Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa. Sau đó, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục xây dựng các trạm radar, đường băng và đưa tên lửa đất đối không ra các đảo nhân tạo phi pháp này.

Căng thẳng leo thang tại Biển Đông  

Phát ngôn của ông Sta. Romana được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đang gia tăng xung quanh phát hiện của Manila cho thấy hơn 200 tàu của Bắc Kinh đã hiện diện tại khu vực đá Ba Đầu (nằm ở phía đông bắc của cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Đại sứ Trung Quốc tại Manila, ông Huang Xilian, đã gặp Tổng thống Philippines Duterte và giải thích rằng đây là những “tàu đánh cá của Trung Quốc đang tìm nơi trú ẩn do thời tiết xấu”.

Theo ông Sta. Romana, Philippines phải cảnh giác với các tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu và theo dõi khu vực này để xem liệu có bất kỳ động thái nào sau khi Bắc Kinh nói rằng “các tàu chỉ ở lại đó tạm thời”.

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng tuy các tàu Trung Quốc là nguyên nhân dấy lên lo ngại, song không có lý do gì để Philippines phải hoảng sợ vì nước này có thể giải quyết vấn đề bằng “khả năng ngoại giao dồi dào”.

Đá Subi thuộc cụm Thị Tứ, là thực thể cực bắc trong nhóm các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Nằm gần đá Subi nhất là đảo Thị Tứ (cách đó 26 km) - đảo có diện tích tự nhiên lớn thứ hai tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đã bị Philippines chiếm đóng trái phép từ những năm đầu thập niên 1970.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm