HÀNH TRÌNH ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG ẢO - KỲ 2:

Đường tới “thiên đường”

Đường tới “thiên đường” ảnh 1

Thú giải trí khi ở giữa rừng nước Pháp là chơi cờ... - Ảnh: Võ Trung Dung

Chuyện trên đường

Sau bữa ăn trưa tôi tiếp cận Hà, một phụ nữ trẻ có vẻ nhút nhát nhưng ưa cười. Hà chừng 30 tuổi. Tôi giúp cô ấy đổ nước từ thùng nhựa lớn vào cái thau. Hôm nay đến lượt cô rửa chén bát cho cả nhóm. “Anh là người miền Nam ạ?” - Hà bật hỏi tôi.“Ừa, anh sinh ở Bình Dương, không xa Sài Gòn. Em có biết miền Nam không?” - tôi trả lời. “Dạ không, em chưa vào trong Nam bao giờ. Chắc là đẹp và giàu có lắm?”.

Rồi cô thì thầm: “Em nhớ nhà, nhớ làng xóm quá. Em không biết mình có quyết định đúng không khi sang đây... Giờ đã muộn mất rồi. Em phải đi trót lọt hoặc mất tất cả!”. Rồi những giọt nước mắt lặng lẽ chảy ra từ đôi mắt cô...

Theo nhận định của cảnh sát châu Âu, Matxcơva hiện là điểm trung chuyển chính của đường dây đưa người Trung Quốc và người Việt đi vào các nước thuộc Liên minh châu Âu. Ngay khi đến Matxcơva bằng máy bay hay đường bộ, những người nhập cư được chia theo nhóm 7-8 người đến những căn hộ ở ngoại ô.

Cũng có những người nhập cư nói đến những căn nhà ở miền quê cách sân bay Sheremetyevo khoảng ba giờ ôtô. Họ bị nhốt tạm ở đó theo nhóm 25-40 người, ở trung bình bốn ngày nhưng cũng có người bị nằm cả tháng.

Theo Interpol, doanh số của những đường dây đưa người nhập cư lậu này lên đến 30 tỉ USD mỗi năm. Dĩ nhiên con số này bao gồm cả doanh thu từ hoạt động đưa người, buôn bán phụ nữ cho các nhà chứa và hoạt động kinh doanh từ bóc lột lao động của người nhập cư lậu. Họ thanh toán thông qua các công ty bình phong đặt tại các “thiên đường tài chính” hoặc đơn giản là nộp tiền mặt thông qua Western Union hoặc Money Transfer.

Hà bắt đầu kể chuyện, những người xung quanh cũng từ từ góp vào. Có lẽ lâu lắm rồi chưa có dịp nói với ai về câu chuyện vượt biên giới đầy uất nghẹn của họ.

Những người Việt di cư lậu này phần lớn gốc gác đâu đó xung quanh Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình và Hải Dương. Lý do ra đi tìm mộng làm giàu nhanh chóng của họ cũng dễ hiểu: làm nông khổ cực, cuộc sống thiếu thốn nhiều bề. Họ chỉ có mỗi sức khỏe và giấc mơ bán sức khỏe ở Anh.

Ông Phong, quê Quảng Trị, kể ông làm nông, ruộng vườn tan hoang vì cơn bão năm 2008, phải nhiều lần vay mượn. Nợ chồng chất, ông đem sổ đỏ ngôi nhà cùng miếng đất một mẫu hai sào cầm cố được khoảng 20.000 USD. Trả nợ xong, dư ít tiền thuê một sạp ngoài chợ cho vợ bán. Chuyện bán mua vốn không quen, một thời gian sau họ hết sạch số tiền còn lại.

Anh Bằng, dân Đà Nẵng, có căn nhà nằm trong diện giải tỏa khi mở đường từ Đà Nẵng đi Hội An. Năm 2007, anh đưa vợ con lên Đà Nẵng thuê nhà sinh sống qua ngày. Anh phụ hồ, vợ buôn bán nhỏ. Đời sống đắt đỏ, tiền bồi thường do chính sách tái định cư cũng hết. Bằng đưa vợ con về nhà cha mẹ ruột ở Thăng Bình. Nghe mọi người xì xào về chương trình đi ra nước ngoài làm việc, Bằng đăng ký ra đi...

Cũng có một số người di cư tại khu rừng hoang này đến từ Nga hoặc Đức (nơi họ cũng đã sinh sống bất hợp pháp trong một thời gian). Nhưng con đường của những Bằng, Xuân, Hà, Phong và nhiều người khác đều xuất phát từ VN. Có người ra đi vì cuộc sống khó khăn thật sự nhưng cũng có người bị hấp dẫn vì mức thu nhập nhanh chóng ở Anh.

Ông Phong nói thẳng: “Tôi chẳng còn chọn lựa nào khác nữa! Mất hết tài sản hoặc đi nước ngoài với hi vọng kiếm tiền nhanh về trả nợ “. Anh Bằng cũng thế: “Tôi phải lo cho tương lai gia đình tôi, nếu không thà tôi lao mình xuống gầm xe tải...”.

Với Xuân là nỗi đau của sự nghèo: “Nhà tôi nghèo ba đời rồi. Ở Huế tôi từng thấy những người giàu tiêu xài một lần trong nhà hàng số tiền bằng tôi làm trong cả tháng. Tôi không muốn cả đời cứ phải ăn mót của thiên hạ!”.

Những ngả đường nhập cư

Hiện có hai con đường. Có tiền thì đi đường hàng không, ít tiền đi đường bộ. Đi đường hàng không tốn khoảng 20.000-25.000 USD cho chuyến đi dài 10-20 ngày để đến nước Pháp, tùy theo phương tiện máy bay, ôtô hay xe tải. Những người đi sẽ lận lưng bằng hộ chiếu thật, visa thật và hợp đồng lao động giả (với công ty ma đặt tại Nga chẳng hạn). Họ sẽ bay từ Hà Nội hoặc TP.HCM sang Matxcơva. Có người trong đường dây bí mật đi theo họ cùng chuyến bay.

Đường thứ hai của người nghèo giá chỉ khoảng 9.000 USD. Số tiền chia ra như sau: VN sang Trung Quốc 2.000 USD, Trung Quốc sang Nga 4.000 USD và Nga sang Pháp giá 3.000 USD. Từ Hà Nội, nhóm người sẽ đi tàu hỏa hoặc xe đò lên Lạng Sơn. Từ đó họ sang Trung Quốc bằng đường bộ với người dẫn đường là người Việt.

Bên phía Trung Quốc, những kẻ trong đường dây làm tiếp phần việc: đưa nhóm người nhập cư lậu đi tàu hỏa, xe buýt hoặc xe tải chở hàng đến vùng biên giới Trung - Nga ở Heihe (tỉnh Yichun). Từ đây là chặng đường dài đến Matxcơva, cũng bằng các phương tiện vận chuyển tương tự. Nhưng lần này lại dưới sự quản lý của bọn đầu gấu Nga.

Đi đường bộ như thế từ VN sang Pháp sẽ mất ít nhất hai tháng. Vì vậy người nhập cư lậu thường được khuyên thủ trong người khoảng 500 USD để mua thực phẩm. Tiền thì trả từng đợt mỗi khi đến biên giới các nước. Người đi sẽ được phép gọi điện về cho người nhà thông báo vị trí điểm dừng của mình để người nhà trả tiền.

Thông thường khi chiêu dụ người đi nước ngoài làm việc, bọn trong đường dây thường vẽ vời về những chuyến đi nhanh chóng bằng máy bay. Nhưng kể cả với nhóm có tiền thì chỉ được mỗi diễm phúc bay từ Hà Nội sang Matxcơva. Còn lại hầu hết là đi bằng đường bộ.

Cũng phải nói thêm rằng những người ôm mộng sang Anh đều chấp nhận theo lời dụ dỗ của bọn trong đường dây là hủy giấy tờ khi đặt chân lên đất Nga hoặc Trung Quốc để không bị trục xuất sớm khi bị bắt. Một khi làm theo như thế thì họ cũng chẳng còn cơ hội đi máy bay.

Theo VÕ TRUNG DUNG (TTO)

------------------------------------------------

Bản tin của Đài địa phương France-Bleue: “Cảnh sát vừa phát hiện hai người châu Á bên xa lộ A26. Một người chết vì bị xe cán, người còn lại bị thương nặng, hôn mê. Có thể đây là những người nhập cư lậu bị rơi từ xe tải”. Từ Sussex, phía nam London, Hiếu điện thoại báo tin cô đã an toàn. Hỏi thăm những người khác, Hiếu kể: “Bọn em chia nhóm bám theo xe tải và em không còn gặp họ nữa...”.

Kỳ tới: Bẫy rập trên những cánh rừng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm