Duterte lơ chuyện biển Đông với Trung Quốc

Gần 250 doanh nhân Philippines sẽ tháp tùng Tổng thống Rodrigo Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc vào tuần tới. Báo Asia Times ngày 12-10 đưa tin như trên.

Phái đoàn Philippines mong muốn hợp tác với phía Trung Quốc trên các lĩnh vực như đường sắt, du lịch, nông sản thực phẩm, năng lượng, chế biến tiểu thủ công nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Philippines Nora Terrado cho biết ban đầu chỉ có hai tá doanh nghiệp tháp tùng tổng thống, sau đó con số đăng ký đã tăng vọt.

Ngày 9-10, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez tuyên bố Tổng thống Duterte đang tìm kiếm từ Trung Quốc nhiều tỉ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng Philippines.

Cuộc tập trận Mỹ và Philippines kết thúc ngày 12-10. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Sau đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Pinol tuyên bố Trung Quốc sắp dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu trái cây của 27 doanh nghiệp Philippines như món quà dành cho ông Duterte.

Ông Francis Chua, Chủ tịch danh dự Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines, nhận xét: “Chúng tôi có một tổng thống rất bình dân và tổng thống đã quyết định muốn có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc. Chúng tôi là láng giềng của nhau… Điều tổng thống nghĩ đến là thay vì đối chọi nhau, tại sao không thể là bạn bè của nhau”.

Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez nhận xét các nhà sản xuất Trung Quốc có thể hưởng chi phí sản xuất thấp ở Philippines để có thể cạnh tranh với Việt Nam trong một số lĩnh vực đầu tư.

Về mặt chính thức, Bắc Kinh vẫn chưa tuyên bố xác nhận chuyến thăm của Tổng thống Duterte.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo hôm 11-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Canh Sảng tuyên bố hai bên đã tiếp xúc chặt chẽ và Trung Quốc hy vọng ông Duterte đến thăm trong một ngày gần đây.

Người phát ngôn nói hai bên đã có ý muốn cải thiện quan hệ và Trung Quốc sẵn sàng củng cố hợp tác trên mọi phương diện.

Hồi đầu tuần, Công ty TNHH Đầu tàu và toa xe Đại Liên (thuộc Tập đoàn CRRC của Trung Quốc) đã phát thông cáo cho biết mong muốn hiện đại hóa mạng lưới đường sắt già cỗi ở Philippines.

Trong khi đó, hãng tin GMA News (Philippines) đưa tin ngày 11-10, Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio phát biểu Philippines phải duy trì tuần tra chung với Mỹ để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, đặc biệt là ngăn chặn nạn đánh bắt trái phép từ Trung Quốc.

Ông giải thích điều 12, khoản 2 của hiến pháp quy định quân đội phải tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý chứ không chỉ tuần tra trong lãnh hải 12 hải lý.

Trước đó, Tổng thống Duterte đã tuyên bố ngừng tuần tra chung với Mỹ vì ông chỉ muốn tuần tra trong phạm vi 12 hải lý mà thôi.

Dự án khai thác khí đốt Malampaya cách Palawan 43 hải lý, tức ngoài vùng lãnh hải. Bởi thế ông Antonio Carpio cảnh báo an ninh năng lượng tại Luzon bị đe dọa, Philippines có nguy cơ mất nguồn cá và hàng tỉ peso nếu cơ sở ở Malampaya bị tấn công.

Ông Carpio là khách mời danh dự tại lễ bế mạc cuộc tập trận Mỹ-Philippines lần thứ 33 (từ ngày 4 đến 12-10) tại căn cứ Fort Bonifacio.

Ngày 11-10, Tổng thống Duterte tuyên bố: “Tôi sắp đi Trung Quốc. Chúng ta đã nhất trí với họ. Nhưng hiện thời không đụng đến vấn đề bãi cạn Scarborough. Chúng ta không thể giải quyết điều đó”. Ông cho biết ông sẽ nói với Chủ tịch Tập Cận Bình cho phép các ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough.

Nhắc đến phán quyết trọng tài, ông nói: “Chúng ta đã đệ đơn kiện. Chúng ta đã thắng. Đồng ý, nếu tôi cứ khăng khăng nói và họ không muốn nhượng bộ, tôi sẽ tấn công họ và bắt đầu chiến tranh. Chúng ta sẽ bị bẽ mặt. Sau đó sẽ là thảm sát. Bãi chiến trường sẽ là Palawan chứ không phải Massachusetts hay New York”.

_________________________________

Chỉ có một cường quốc duy nhất trên thế giới có thể ngăn chặn người Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, đó là Mỹ.

Phó Chánh án Tòa án tối cao ANTONIO CARPIO


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm