G20 khai hội trong bất đồng Syria

Hội nghị G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn của thế giới) kéo dài trong hai ngày đã khai mạc ngày 5-9 tại St. Petersburg (Nga). Theo trang web của hội nghị, mục đích hội nghị nhằm củng cố kinh tế toàn cầu tăng trưởng cân bằng, bền vững và mạnh mẽ trước những bất ổn kéo dài.

Putin - Obama không hội đàm riêng

Chương trình nghị sự tập trung vào các chủ đề kinh tế và tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng trì trệ ở các thị trường mới nổi. Báo Financial Times (Anh) ghi nhận hội nghị G20 cũng sẽ thảo luận về cải cách thuế trong khi công luận phẫn nộ vì các tập đoàn đa quốc gia đóng thuế quá ít.

Phát biểu tại St. Petersburg, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu cảnh báo Mỹ phải cẩn trọng hiệu ứng lan tỏa khi chấm dứt chương trình kích thích tiền tệ.

G20 khai hội trong bất đồng Syria ảnh 1

Đêm 4-9, Ngoại trưởng John Kerry đang điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, các nhà đấu tranh bảo vệ hòa bình ngồi sau thinh lặng đưa lên các bàn tay nhuộm đỏ. Ảnh: AP

Ngày 5-9, tại cuộc gặp với lãnh đạo các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Tổng thống Nga Putin thông báo BRICS sẽ đóng góp 100 tỉ USD cho quỹ bình ổn để ngăn chặn và giảm tác động xấu đến thị trường tiền tệ một khi Mỹ chấm dứt chương trình kích thích tiền tệ.

Cùng ngày, người phát ngôn tổng thống Nga tuyên bố: “Không có cuộc họp riêng rẽ nào về Syria nhưng tất cả sẽ phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo”. Người phát ngôn cũng cho biết Nga không lên kế hoạch cho cuộc hội đàm nào riêng giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Obama nhưng hai bên sẽ có một hình thức trò chuyện nào đó.

Obama dẫn 1-0

Liên quan đến tình hình Syria, ngày 4-9 (giờ địa phương), Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực đối với Syria với kết quả 10 phiếu thuận và bảy phiếu chống. Nghị quyết sẽ được tiếp tục thảo luận tại phiên họp toàn thể Thượng viện vào đầu tuần tới.

Báo chí quốc tế nhận định bước đầu xem như Tổng thống Obama đã dẫn 1-0 trong nỗ lực mong Quốc hội bật đèn xanh đánh Syria.

Đêm 4-9, Ngoại trưởng John Kerry tiếp tục điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện trong hơn 4 tiếng.

Ông cho biết đã trò chuyện với Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Hai nhân vật này nói dù Mỹ tấn công Syria thì giữa Mỹ và Nga sẽ không có đối đầu quân sự. Chính vì thế, tàu chiến Nga triển khai ở Địa Trung Hải sẽ không tham gia.

Ông thông báo trong khoảng 100 quốc gia Mỹ tiếp cận, 57 quốc gia đã thừa nhận chế độ Syria sử dụng vũ khí hóa học, trong đó có 37 quốc gia tuyên bố công khai. Ông nói nhiều nước đã đề nghị tham gia đánh Syria và nhiều nước vùng Vịnh đề nghị được đóng góp tài chính.

Putin ủng hộ hay phản đối?

Trả lời phỏng vấn của hãng tin AP và kênh truyền hình Perviy Kanal (Nga) hôm 4-9, Tổng thống Putin đã cho biết Nga không có ý định can thiệp vào xung đột. Ông nhấn mạnh: “Tôi muốn nhắc lại là hiện nay không có đơn vị quân sự nào của Nga ở nước ngoài, trừ hai căn cứ Nga ở các nước Liên Xô cũ và các binh sĩ tham gia các chiến dịch hòa bình của LHQ”.

Báo Le Monde (Pháp) phân tích thái độ của Tổng thống Putin khá mâu thuẫn. Sáng 4-9, ông Putin nói Nga ủng hộ đánh Syria với điều kiện có bằng chứng Syria sử dụng vũ khí hóa học và LHQ đồng ý. Buổi chiều, ông lùi một bước khi tuyên bố tên lửa có thể đánh trúng lò phản ứng hạt nhân của Syria.

Kế tiếp, ông cho rằng Ngoại trưởng John Kerry là người dối trá khi nói không có yếu tố Al Qaeda trong hàng ngũ quân nổi dậy Syria. Đến khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết đánh Syria, ông lại nhận định đây là hành động xâm lược và Syria không tấn công Mỹ, vậy nên Syria đang phòng vệ.

Ngày 5-9, Vatican thông báo Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi thư cho Tổng thống Putin mong mỏi các nước dự hội nghị G20 tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria và từ bỏ giải pháp quân sự.

- Bảy nước thành viên Liên minh châu Âu ủng hộ đánh Syria mà không cần Hội đồng Bảo an LHQ đồng ý gồm Pháp, Đan Mạch, Croatia, Romania, Hy Lạp, Litva và Cyprus.

- Ngày 4-9, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đạn pháo hóa học sử dụng tại Aleppo (Syria) hôm 19-3 là đạn được sản xuất thủ công chứ không phải đạn của quân đội Syria. Loại đạn và các thông số giống hai trái pháo do quân nổi dậy Syria bắn ở miền Bắc Syria. Ngoại trưởng Nga tuyên bố đạn hóa học sử dụng hôm 21-8 ở ngoại ô Damascus (Syria) cũng giống đạn pháo sử dụng ngày 19-8 ở Aleppo.

- Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner từ chối tiếp đoàn nghị sĩ Nga sang Mỹ thảo luận về vấn đề Syria. Đại sứ Nga tại Mỹ cho biết chuyến đi của đoàn nghị sĩ Nga vẫn diễn ra như dự kiến.

LÊ LINH - HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm