Gần 7 thập niên chờ đoàn tụ người thân

Đó là tâm sự của bà Lee Keum-seom, người bị chia tách khỏi gia đình trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Bà Lee là một thành viên trong nhóm người cao tuổi Hàn Quốc đã sang đất Triều Tiên hôm qua (20-8) để được đoàn tụ với gia đình sau 68 năm bị chia cắt kể từ sau chiến tranh Triều Tiên kết thúc.

Rất ít người được chọn lựa

Theo CNN, chương trình đoàn tụ người thân của hai miền Nam-Bắc này lần đầu tiên được khởi động lại kể từ năm 2015. Đích thân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un đã đặt bút ký tuyên bố chung Bàn Môn Điếm vào đầu năm nay, trong đó có nội dung đoàn tụ gia đình.

Theo thống kê của CNN thì có đến 57.000 người đã nộp đơn vào chương trình đoàn tụ lần này để gặp lại gia đình đã bị chia tách suốt gần bảy thập niên qua nhưng chỉ có 93 gia đình trong số đó được chọn. Tiếc thay bốn người vì lý do sức khỏe đã không thể tham dự sự kiện được hàng ngàn người kỳ vọng và chờ đợi này. Được biết có đến hơn 60% những người được chọn gặp lại người thân đã ngoài 80 tuổi, đi cùng với con cháu và người thân trên chuyến xe buýt sang bên kia biên giới.

Người Hàn Quốc tham dự sự kiện được tập trung vào hôm Chủ nhật (19-8) tại khách sạn khu nghỉ dưỡng Hanwha ở Sokcho, phía Nam khu phi quân sự (DMZ), cũng chính là biên giới chia tách hai miền Nam Bắc bán đảo Triều Tiên sau cuộc chiến 1950-1953. Tại đây, người tham gia sẽ được kiểm tra y tế và được thông báo về các quy định của chuyến đi cũng như cảnh báo về thái độ khi đến thăm Triều Tiên. Ban tổ chức phải đảm bảo rằng người tham dự hiểu rõ quy định và tránh nói ra bất kỳ những nội dung có thể gây hiểu lầm hoặc bị xem là vô cảm ở Triều Tiên. Các nhân viên của Hội Chữ thập đỏ đã chào đón những người tham dự bằng dòng khẩu hiệu trang trọng “Chúng tôi trân trọng chúc mừng sự đoàn tụ của tất cả gia đình”. Một số người tham dự thậm chí phải ngồi xe lăn vì tuổi cao, sức yếu.

Ông Park Kyung-seo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc, nói với CNN rằng ông rất vui mừng vì tham gia giúp đỡ các thành viên trong chương trình đoàn tụ gia đình nhưng việc chỉ có một số ít trong tổng thể rất nhiều người mong mỏi đoàn viên quả thật là một “bi kịch” về sự nhân đạo. “Hãy tưởng tượng suốt 73 năm ròng mà không biết được người thân trong gia đình còn sống hay đã chết - không có bất kỳ thông tin gì. Đau đớn và giận dữ. Đó là một bi kịch về sự nhân đạo không thể nào tưởng tượng nổi” - ông Park giải thích. Vị này chia sẻ thêm rằng “Tôi hoàn toàn chia sẻ với sự thất vọng của những ai không được chọn. Vì thế tôi đang nỗ lực cùng với các cộng sự Triều Tiên để tìm ra giải pháp. Rất đông người dân đang chờ đợi đoàn tụ nhưng số lượng người được chọn thì rất hạn chế”.

Đoàn người tham dự chương trình đoàn tụ hôm 19-8. Ảnh: CNN

Hồi hộp và căng thẳng gặp lại cố nhân

Tại khách sạn, không khí chương trình hồ hởi nhưng cũng pha lẫn căng thẳng khi mọi người chờ đợi gặp lại vợ, chồng, anh chị em và thậm chí con cái của họ - những người vì bị chia cắt quá lâu nên chỉ còn tồn tại trong ký ức mơ hồ và những hình ảnh mờ nhạt dần theo năm tháng. Các gia đình trong lúc chờ có thể đăng ký tên và được mời đến chụp ảnh gia đình ở sảnh, sau đó ảnh được in ra và đóng khung để họ mang đến Triều Tiên làm quà.

Bà Lee Keum-seom, người mẹ chuẩn bị gặp lại con trai lần đầu tiên kể từ khi cả hai bị chia cắt năm con trai bà bốn tuổi, nói bà đã cầu nguyện để con mình có thể sống thật lâu. Giờ đây hai mẹ con, người 92 tuổi còn người kia 72 tuổi, có thể đoàn tụ. “Tôi không thể tin được rằng tôi chuẩn bị gặp lại con trai mình” - bà Lee nói. Người mẹ ở độ tuổi “xưa nay hiếm” cho biết thêm bà cảm thấy lo lắng về việc gặp lại người con trai đã lớn tuổi của mình, bởi trong ký ức thì con bà vẫn là một đứa trẻ, thế nên không biết bắt đầu từ đâu để khỏa lấp khoảng thời gian dài hai người bị chia cắt. Bà Lee nói: “Tôi sẽ hỏi con mình rằng bố của thằng bé đã kể với nó về tôi như thế nào. Bố nó chắc hẳn đã kể nó nghe về việc chúng tôi đã bị phân ly ra sao và nhà của chúng tôi từng ở đâu. Tôi nghĩ tôi sẽ hỏi con tôi như thế”.

Bà Ahn Seung-chun cũng đến Triều Tiên để gặp mặt người thân mà bà chưa từng nhìn thấy. “Tôi nộp đơn để xin gặp lại anh mình. Nhưng anh ấy đã mất nên giờ đây tôi mãi mãi không thể đoàn tụ” - bà Ahn nói. Tuy nhiên, bà Ahn vẫn đến Triều Tiên để gặp chị dâu và cháu trai của mình. “Tôi rất buồn vì không thể gặp lại anh tôi. Nhưng dẫu vậy tôi cảm thấy hạnh phúc vì có thể gặp con trai anh ấy. Chí ít thì tôi cũng sẽ gặp được một truyền nhân của cha tôi” - bà Ahn nói.

Một người đàn ông khác tên Dokgo Ran cũng bị chia tách khỏi gia đình trong chiến tranh Triều Tiên và có lúc ông đã từ bỏ hy vọng có thể đoàn tụ. “Hội Chữ thập đỏ đã hỏi khắp nơi để tìm kiếm gia đình tôi, đồng thời giúp tôi có thể đoàn tụ. Tôi biết ơn vì điều ấy” - ông Dokgo nói.

Hơn 75.000 người đệ đơn xin đoàn tụ đã qua đời kể từ khi tiến trình đoàn tụ bắt đầu. Khi những thành viên trong các gia đình bị chia cắt già đi, mỗi ngày trôi qua đều khiến họ lo sợ hơn rằng họ không thể gặp lại người thân nữa.(Theo CNN) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm