Gánh nặng trên đôi vai thủ tướng Hy Lạp

Đây là cuộc bãi công đầu tiên từ khi đảng Syriza của Thủ tướng Alexis Tsipras cầm quyền ở Hy Lạp vào cuối tháng 1.

Liên hiệp Các nghiệp đoàn người lao động trong chính quyền địa phương cũng đã kêu gọi bãi công 24 tiếng trong ngày 15-7. Trong khi đó tối 13-7, khoảng 700 người đã biểu tình tại quảng trường Syntagma để phản đối thỏa thuận vay nợ mới được 19 nước khu vực đồng euro chấp thuận trước đó. Theo thỏa thuận, để đổi lấy gói cứu trợ mới kéo dài ba năm và đàm phán lại nợ cũ, Hy Lạp phải cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt.

Ngày 15-7 là ngày Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới theo thỏa thuận mới đạt được. Từ Brussels (Bỉ) về nước sau khi đàm phán thỏa thuận, chắc chắn Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn.

Khi ký kết thỏa thuận mới về vay nợ, ông đã làm trái cam kết với đảng Syriza của ông. Các dấu hiệu rạn nứt đã xuất hiện trong đảng Syriza. Nhiều nghị sĩ đã xem thỏa thuận mới đạt được là điều sỉ nhục đối với Hy Lạp.

Trong quá trình đàm phán thỏa thuận, nhiều ý kiến chê trách Thủ tướng Alexis Tsipras đã bộc lộ yếu kém trước mức độ đòi hỏi cao của các nước như Đức. Ông sẽ phải ra sức biện minh rằng tại Brussels, ông ký kết thỏa thuận trong tư thế không còn đường lùi, nếu không các ngân hàng Hy Lạp sẽ phá sản do thiếu tiền.

GS Charles Wyplosz ở Viện Nghiên cứu quốc tế cao cấp và phát triển tại Genève (Thụy Sĩ) nhận định về thỏa thuận mới đạt được: “Đó là con dao kề ngay cổ..., xâm lược mà không cần bộ binh, một mức độ tàn nhẫn chưa từng thấy… Tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ lại đi đến một bản án như thế”.

Một bộ phận người dân Hy Lạp cũng sẽ chỉ trích Thủ tướng Alexis Tsipras bởi mới 10 ngày trước, hơn 61% cử tri tham gia trưng cầu ý dân đã không đồng ý dự thảo thỏa thuận cho vay nợ do các chủ nợ quốc tế đề xuất. Thỏa thuận đó còn vừa phải hơn thỏa thuận mới đạt được ngày 13-7.

Cuộc chiến sắp tới sẽ diễn ra ở Quốc hội Hy Lạp khi bỏ phiếu thông qua thỏa thuận mới đạt được. Tuần trước, trong Quốc hội bỏ phiếu để cho phép thủ tướng lên đường sang Brussels đàm phán thỏa thuận (kết quả có 251/300 phiếu thuận), 17 nghị sĩ đảng Syriza đã không đồng tình. Trước cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận mới sắp tới, đã có 15 nghị sĩ đảng Syriza từng bỏ phiếu thuận trở cờ. Họ tuyên bố chắc chắn lần này họ sẽ bỏ phiếu chống.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm