Giải mã chiến thuật Bình Nhưỡng đối phó Mỹ

Cách đây hơn hai tháng, cả thế giới đã chú ý dõi theo nhất cử nhất động từ Singapore khi cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên diễn ra.

Ông Kim Jong-un vẫn đi đúng hướng

Tại Singapore, ông Kim đã ký tuyên bố “hợp tác hướng đến vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, công cuộc “phi hạt nhân hóa” nằm ở giai đoạn 3 của thỏa thuận, sau khi “thiết lập quan hệ Mỹ-Triều” và xây dựng “một chính phủ ôn hòa” tại Washington. Thỏa thuận “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” dù hiểu theo ý của ông Trump hay ai đi chăng nữa thì cũng chỉ xảy ra khi các điều kiện trên được thiết lập và còn được xem như một sự công nhận rằng tình trạng “hạt nhân hoàn toàn” đang tồn tại ở khu vực.

Để đáp ứng các yêu cầu trên, Mỹ ít nhất sẽ phải dỡ bỏ các biện pháp răn đe hiện tại đối với Triều Tiên, kể cả khu vực phi hạt nhân trên bán đảo này. Thỏa thuận cũng đặt Triều Tiên ở mức độ trách nhiệm ngang với Mỹ, nghĩa là Triều Tiên sẽ giải trừ hạt nhân khi Mỹ cũng làm điều tương tự. Dù phương án nào thì thỏa thuận ở Singapore đều không bắt buộc bên nào phải đơn phương từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, nói chi đến việc “hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” như lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ca ngợi.

Trong chuyến thăm đầu tháng 7 đến Bình Nhưỡng sau hội nghị ở Singapore, ông Pompeo được cho là đã yêu cầu Bình Nhưỡng giải giáp 60%-70% kho vũ khí hạt nhân của mình, một cử chỉ rất “thân thiện” từ một trong hai bên ký kết thỏa thuận. Dĩ nhiên người đồng cấp phía Triều Tiên đã phản ứng gay gắt, gọi yêu cầu trên là “một hành động hung hăng”, hay nói cách khác, ông Kim không muốn đơn phương từ bỏ bất kỳ một trang bị hạt nhân nào.

Điều trần trước Quốc hội, ông Pompeo cũng thừa nhận các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên vẫn đang hoạt động và có thể một hoặc hai tên lửa xuyên lục địa, Hwasong-15, đang tiếp tục được lắp ráp. Một cơ sở hạt nhân khác cũng được phát hiện đang sản xuất bộ phận bệ phóng cho tên lửa Pukguksong-2 và viện hóa học tại TP Hàm Hưng của Triều Tiên, nơi phụ trách chế tạo nhiên liệu rắn cho các tên lửa, thậm chí còn đang được mở rộng.

Ông Kim không hề nói dối khi ký thỏa thuận với Mỹ. Bình Nhưỡng chưa bao giờ hứa sẽ “ngưng sản xuất vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo”. Ngược lại, trong phát biểu năm mới 2018, ông Kim còn nhấn mạnh sẽ “lãnh đạo ngành nghiên cứu và phát triển vũ khí của đất nước” và đang đi đúng hướng. Chỉ một vài bãi thử ngừng hoạt động sẽ là không đủ để khẳng định ông Kim đang thay đổi chính sách hạt nhân. Sáu cuộc thử nghiệm thiết kế động lực học gần đây có lẽ đã cung cấp đủ thông tin cho Triều Tiên, thay vì phải tiến hành thêm một cuộc thử nghiệm quy mô lớn. Hồi tháng 4, ông Kim đã thừa nhận đang thử nghiệm vũ khí hạt nhân “cận cực đại”, sẽ không làm lộ phóng xạ dẫn đến khó bị phát hiện hơn. Tương tự, việc phá hủy vài cổng hầm của bãi thử Punggye-ri hay một phần cơ sở sản xuất nhiên liệu rắn và bãi phóng Sohae có thể thi công lại nhanh chóng.

Ông Kim Jong-un (trái) gặp ông Donald Trump tháng 6-2018. Ảnh: REUTERS

Chiến thuật của Bình Nhưỡng

Ông Kim đã nhượng bộ khi tiến hành một số biện pháp kỹ thuật vốn không có mấy tác động tới chương trình hạt nhân của mình. Tiếp theo, Bình Nhưỡng thi hành song song các chính sách ngoại giao để biến hội nghị Singapore với “tinh thần hợp tác” trở thành hiện thực. Ông Trump buộc phải lựa chọn: Thực hiện chính sách “hòa bình” của mình hoặc nhún nhường trước sức ép của phe diều hâu trong chính phủ và quay lại tình trạng căng thẳng như hồi năm 2017. Cuối cùng, Bình Nhưỡng lợi dụng sự kiện này để làm gia tăng xa cách giữa Mỹ và đồng minh Hàn Quốc.

Nhiều diễn biến sắp tới trên bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, ông Kim đang đòi hỏi một câu trả lời dứt khoát từ phía Hàn Quốc đối với vấn đề Panmunjom, một hiệp định song phương mà chỉ có thể được thực hiện nếu các cấm vận đối với Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an (UNSC) được dỡ bỏ. Mặt khác, ông Moon sẽ phải đối mặt với sức ép từ Mỹ đối với vấn đề giải giáp hạt nhân trên bán đảo này, một tuyệt chiêu “được nước đẩy thuyền” của Triều Tiên từ sau Singapore.

Triều Tiên đang có nhiều lợi thế khi tận dụng sự phủ nhận của ông Trump về thực trạng phát triển hạt nhân đang diễn ra hằng ngày ở nước này. Tất nhiên, Bình Nhưỡng sẽ không “manh động” bất ngờ nhưng một vài thử nghiệm nhỏ để kiểm tra khả năng ông Trump có thể áp đảo phe hiếu chiến trong chính phủ Mỹ là khả dĩ.

Mỹ sẽ đối phó ra sao?

Mỹ cần tập trung xây dựng một thể chế răn đe đủ mạnh về lâu dài, thay vì thúc ép Triều Tiên giải trừ hạt nhân đơn phương. Mỹ cũng có thể yêu cầu Triều Tiên minh bạch hóa các cơ sở sản xuất và thử nghiệm hạt nhân của mình nhằm hướng đến hạn chế nghiên cứu và chế tạo vũ khí. Đáp lại, ông Kim có thể sẽ quan tâm đến các nhượng bộ từ các lệnh trừng phạt hay một bản dự thảo đảm bảo an ninh từ phía Mỹ. Mỹ cũng có thể khuyến khích Triều Tiên theo bước Ấn Độ, cam kết phát triển hạt nhân một cách hòa bình. Điều này cũng mang ý nghĩa công nhận chính thức về năng lực hạt nhân của Triều Tiên, một điều đã quá rõ ràng. Các giải pháp sẽ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực nhưng dù sao vẫn có hy vọng và khả thi, trước khi vũ lực bắt đầu được đặt lên bàn cân thay cho thiện chí.

 

______________________________

*Lược dịch và đặt tựa lại từ bài của Ankit PandaVipin Narang trên Foreign Affairs.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm