Hai chuyến công du lịch sử của Tổng thống Obama

Với hai chuyến công du đến Việt Nam và Nhật trong tuần này, Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực giở sang trang hai chương in đậm dấu ấn trong lịch sử nước Mỹ.

Báo Wall Street Journal nhận định như trên trong bài viết với tựa đề “Ông Obama mong muốn tăng cường quan hệ trong chuyến công du châu Á”.

Hãng tin ABC News (Úc) nhận định đây là lần đầu tiên trong một chuyến công du, Tổng thống Obama cùng đến hai quốc gia được xem là cựu thù của Mỹ. Ngoài ra, tháp tùng Tổng thống Obama còn có Ngoại trưởng John Kerry, là người từng tham chiến ở Việt Nam và sau đó tham gia chống chiến tranh Việt Nam.

Cải thiện quan hệ Mỹ-Việt

Báo Wall Street Journal ghi nhận ông Obama là tổng thống Mỹ thứ ba sang thăm Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc cách đây 41 năm.

Tổng thống Obama lưu lại Việt Nam ba ngày và đây là thời gian dài đặc biệt trong một chuyến công du tổng thống dành cho một quốc gia. Điều này chứng tỏ Mỹ mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam.

GS Jonathan London ở ĐH Hong Kong mô tả Tổng thống Obama là người biết kết nối giữa giai đoạn Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995 sang giai đoạn Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ năm 2001, cho đến giai đoạn Việt Nam quyết định tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông nhận xét: “Bây giờ Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác gần như cần thiết của nhau”.

Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) bình luận Mỹ-Việt tăng cường quan hệ là tiến trình tự nhiên trong quá trình phát triển của một nền kinh tế ở Đông Nam Á hướng đến xuất khẩu.

Ngày 21-5 (giờ địa phương), Tổng thống Obama lên chuyên cơ Air Force One lên đường công du châu Á. Ảnh: NEW YORK TIMES

Các lý do đáng chú ý

Báo Times of India (Ấn Độ) ngày 22-5 đã nêu ra các lý do vì sao chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama mang nhiều ý nghĩa:

• 43 năm sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam và 20 năm sau khi Mỹ và Việt Nam tái lập quan hệ ngoại giao, Tổng thống Obama có thể nâng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam lên một tầm cao mới.

• Ông Obama sẽ phải nêu vấn đề dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam để Việt Nam có thể mua vũ khí sát thương của Mỹ.

• Ông Obama có thể nêu vấn đề củng cố hợp tác giữa hai nước về tẩy chất độc da cam.

• Trong hai thập niên gần đây, Việt Nam không còn được xem như đối đầu với Mỹ nhưng hiện nay chưa phải đồng minh.

• Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi hứa hẹn nhất và đã tham gia TPP, chủ bài của ông Obama trong nỗ lực mở cửa thị trường châu Á cho các doanh nghiệp Mỹ. Ông Obama sẽ thảo luận về tầm quan trọng của TPP.

• Việt Nam trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Nam Á với doanh số thương mại dự kiến đạt 57 tỉ USD vào năm 2020.

• Chuyến công du tổng thống đến một quốc gia có nhiều người hy sinh trong chiến tranh sẽ trở nên quan trọng hơn với những cảm xúc dồi dào và các cuộc thảo luận nối tiếp về hậu quả chiến tranh để lại.

• Quan hệ Mỹ-Việt thu hút chú ý bởi đây là câu chuyện thuyết phục về các cựu thù xích lại gần nhau.

Chặng dừng lịch sử Hiroshima

Theo báo Wall Street Journal, trong chuyến công du đến Nhật, Tổng thống Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 và kết thúc chuyến thăm châu Á với chặng dừng lịch sử ở Hiroshima.

Ông sẽ tiếp tục kêu gọi không phổ biến hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân, cũng như nhấn mạnh đến mối quan hệ về an ninh giữa Mỹ và Nhật.

Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến Hiroshima 71 năm sau khi Tổng thống Harry Truman quyết định ném bom nguyên tử xuống thành phố này trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

AFP nhận định chuyến đi đến Hiroshima của ông Obama chắc chắn sẽ làm dấy lên cuộc tranh luận xem quyết định ném bom nguyên tử của Mỹ có đúng là giảm bớt thương vong so với giải pháp đưa quân tấn công Nhật như nhiều người Mỹ vẫn nghĩ.

Các nạn nhân trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử ở Nhật đã yêu cầu Mỹ xin lỗi, tuy nhiên Nhà Trắng thông báo Mỹ vẫn chưa sẵn sàng.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes thông báo: “Tổng thống Obama đánh giá điều quan trọng là nhìn nhận lịch sử, điều quan trọng là đối diện lịch sử và điều quan trọng là đối thoại về lịch sử”.

 

. Hãng tin AFP: Chuyến thăm châu Á lần thứ 10 của Tổng thống Obama nhằm khép lại quá khứ đau buồn về hai cuộc chiến từng xảy ra trong thế kỷ 20 ở châu Á.

. Báo Los Angeles Times: Tại Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bởi Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á. Nếu các doanh nghiệp Mỹ không chộp lấy thời cơ làm ăn ở Việt Nam thì Trung Quốc hay các nước khác sẽ nhảy vào.

. Báo Washington Post: Việt Nam và Nhật đều tham gia TPP, bởi thế chuyến công du của Tổng thống Obama còn nhằm cổ vũ cho TPP vì TPP là một bộ phận trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ.

_____________________________________

16.000 dặm là hành trình Tổng thống Obama phải trải qua trong chuyến công du châu Á.

Điều chúng tôi muốn chứng minh với chuyến thăm Việt Nam là vấn đề cải thiện đáng kể quan hệ Mỹ-Việt với tư cách là đối tác trong nhiều lĩnh vực, trong khi chúng tôi cũng còn nhiều lĩnh vực khác biệt.

Phó cố vấn an ninh quốc gia BEN RHODES

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm