Hai ông Mattis, Pompeo qua Ấn Độ ký thỏa thuận quân sự

Trong các cuộc hội đàm ngày 6-9 tại New Delhi, hai bộ trưởng Mattis và Pompeo và hai người đồng cấp Ấn Độ là Bộ trưởng Quốc phòng Nirmala Sitharaman và Ngoại trưởng Sushma Swaraj đều tỏ vẻ hài lòng với tiến trình quan hệ hai nước.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho rằng thỏa thuận Tương hợp Viễn thông và An ninh vừa ký là bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Ấn. Phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Sitharaman nói thỏa thuận sẽ tăng cường sức mạnh quốc phòng và sức sẵn sàng chiến đấu của Ấn Độ.

Theo thỏa thuận này thì bước đầu Ấn Độ sẽ mua các thiết bị viễn thông quân sự từ Mỹ. Và theo các nhà phân tích quân sự thì thỏa thuận này sẽ mở đường cho Mỹ bán các khí tài quân sự nhạy cảm hạng nặng sang Ấn Độ. Có thể tới đây Ấn Độ sẽ mua các khí tài công nghệ cao từ Mỹ như máy bay không người lái có vũ trang Sea Guardian.

Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman trong buổi ký thỏa thuận ngày 6-9 tại New Delhi. Ảnh: REUTERS

Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman trong buổi ký thỏa thuận ngày 6-9 tại New Delhi. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, nói với Al Jazeera, nhà phân tích quân sự cấp cao Manoj Joshi tại Quỹ Giám sát Nghiên cứu (Ấn Độ) lo ngại thỏa thuận này sẽ mang tới ít nhiều phức tạp với hệ thống khí tài quân sự Ấn Độ.

“Đây là một thỏa thuận quan trọng và sẽ là một điểm lợi cho Ấn Độ ở lĩnh vực hàng hải. Nhưng có thể sẽ có phức tạp liên quan đến các loại thiết bị không phải do Mỹ sản xuất mà quân đội Ấn Độ đang sử dụng trong các máy bay chiến đấu, tàu, sẽ sắp tới sẽ dùng trong các hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 của Nga” - theo nhà phân tích Joshi.

Cũng chưa biết thỏa thuận quân sự vừa ký có gỡ được mắc mứu nhiều tháng nay giữa Mỹ và Ấn Độ vì quan hệ thương mại giữa Ấn Độ với Iran và Nga - hai nước đang chịu trừng phạt từ Mỹ. Theo nhà phân tích Joshi, mọi chuyện sẽ không dễ khi Ấn Độ bắt buộc phải duy trì quan hệ với Nga và Iran cũng như cả với Mỹ, vì quyền lợi của mình.

Trong khi Mỹ yêu cầu các đồng minh cắt đứt thương mại với Iran thì theo ông Joshi, nhập khẩu dầu từ Iran mang tính sống còn với tăng trưởng Ấn Độ trong các thập niên tới. Ấn Độ - một trong những khách hàng lớn nhất mua dầu Iran - sẽ phải tìm cách vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt thứ phát của Mỹ với Iran.

Ấn Độ cũng đang cố gắng tìm cách tránh trừng phạt thứ phát từ Mỹ vì làm ăn với Nga ở các lĩnh vực quân đội và tình báo. Khí tài quân sự hạng nặng của Nga chiếm tới 62% tổng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ trong năm năm qua, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (Thụy Điển) đầu năm nay.

Ấn Độ cũng đang trong quá trình thương lượng mua năm hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối không S-400 từ Nga. Mỹ thời gian qua nhiều lần lên tiếng cảnh cáo Ấn Độ từ bỏ thương vụ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm