Hai tướng Pháp nói về biển Đông

Từ trước đến nay các phương tiện truyền thông của Pháp thường ít chú ý đến khu vực biển Đông. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc gia tăng tôn tạo các đảo nhân tạo trên biển Đông, các nhà nghiên cứu của Pháp bắt đầu lên tiếng.

Chiến lược đánh dấu chủ quyền

Trả lời trang tin Atlantico, tướng không quân Jean-Vincent Brisset (Giám đốc Viện Nghiên cứu Các quan hệ quốc tế và chiến lược) và PGS Valérie Niquet (Giám đốc Trung tâm châu Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp) khẳng định cần phải ngăn chặn Trung Quốc.

. Chiến lược chiếm đất của Trung Quốc tiếp tục trong vùng biển quốc tế với xây cảng, đường băng và các cơ sở hạ tầng khác. Chiến lược này hình thành như thế nào?

+ Valérie Niquet: Từ cuối những năm 2000, Trung Quốc đã củng cố đáng kể yêu sách chủ quyền. Năm 2009, Trung Quốc bắt đầu nói đến lợi ích sống còn trên biển, đồng thời gia tăng các rắc rối và hành vi xâm nhập ở biển Đông. Mục tiêu hướng tới là Philippines và Việt Nam.

Từ năm này Trung Quốc cũng phát triển chiến lược mới. Trung Quốc gia tăng xây dựng các đảo nhân tạo vì nhiều mục đích: Đánh dấu chủ quyền, củng cố yêu sách trên biển Đông, đưa cảnh sát biển và tàu cá Trung Quốc đến các vị trí củng cố sự hiện diện nhằm áp đặt quan điểm trên biển Đông.

+ Jean-Vincent Brisset: Trung Quốc đã có ý đồ thiết lập chủ quyền với viễn ảnh lâu dài. Ý đồ hiện nay liên quan đến hàng hải nhưng sắp tới có nguy cơ trở thành ý đồ trên đất liền vì Trung Quốc vẫn duy trì các yêu sách trên đất liền với hầu hết nước láng giềng.

Ngày quốc khánh Philippines (12-6), người dân biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Manila yêu cầu Trung Quốc ngừng gây hấn. Ảnh: AP

Chủ tịch Tập Cận Bình đang đối phó khó khăn với các vấn đề lãnh đạo. Ông ấy phải vận dụng các kỹ thuật cổ điển bao gồm chủ nghĩa dân tộc, đấu tranh chống tham nhũng và tố cáo kẻ thù Nhật. Các chiêu này luôn được sử dụng trong lịch sử Trung Quốc.

. Các mục tiêu cụ thể trong chiến lược nêu trên của Trung Quốc là gì?

+ Valérie Niquet: Trung Quốc rao giảng về kiểm soát các tuyến đường biển, các lợi ích trên biển như đánh cá hay các nguồn năng lượng (với nhiều nghi ngờ rằng không có thật). Thực ra về sâu xa, Trung Quốc nhắm đến một mục đích chủ yếu: Củng cố uy tín của Trung Quốc và khẳng định quyền lực của chế độ cầm quyền.

+ Jean-Vincent Brisset: Có chiến lược bên ngoài và mục đích nội tại. Ở Trung Quốc, tình hình bất bình đẳng gia tăng, tiêu dùng nội địa không phát triển như mong muốn. Chính phủ đang muốn khắc phục hậu quả bất ổn tiềm tàng từ tình hình bất bình đẳng trong nước bằng chiến lược bên ngoài như thế.

Tham vọng tái lập các chư hầu

. Bành trướng của Trung Quốc có thể phát triển đến đâu? Khủng hoảng mới xảy ra có thể đe dọa sự cân bằng hiện nay giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc hay không?

+ Valérie Niquet: Cần nhớ các cường quốc không ở thế cân bằng. Trung Quốc còn lâu mới bằng Mỹ, kể cả về quân sự dù Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong lĩnh vực này. Nhiều năm nay Trung Quốc phát triển và tránh liên can đến Mỹ. Mỹ ngoài chính sách trục xoay còn muốn phát tín hiệu mạnh đến Trung Quốc để chặn lại chiến lược của Trung Quốc.

Bành trướng của Trung Quốc có thể vượt quá biển Đông một cách khó khăn. Nếu để Trung Quốc phát triển năng lực quân sự và chiến lược nêu trên mà không có phản ứng, Trung Quốc sẽ có tham vọng vượt xa hơn, đẩy lùi sự hiện diện của Mỹ ở châu Á ngoài giới hạn của Tây Thái Bình Dương và Đông Thái Bình Dương. Đó là điều mà chủ tịch Tập Cận Bình muốn ám chỉ khi giải thích Thái Bình Dương đủ rộng cho hai cường quốc.

+ Jean-Vincent Brisset: Trung Quốc biện minh cho ý đồ bành trướng bằng các dẫn chứng lịch sử vô căn cứ. Chừng nào Trung Quốc có thể tiến xa hơn nữa thì Trung Quốc sẽ cố thử. Phải hiểu rằng trong nội bộ đất nước Trung Quốc có thái độ đồng thuận sâu xa về sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực. Đó là một đất nước Trung Nguyên tái lập với hào quang và các chư hầu chầu chực.

40% các tuyến đường biển thương mại đi qua biển Đông. Một phần thương mại thế giới phụ thuộc vào tình hình ổn định biển Đông. Xung đột xảy ra trong khu vực này đầu tiên sẽ tác động ngay đến thương mại quốc tế và tình hình cung ứng mà Trung Quốc với vai trò công xưởng thế giới đang chiếm giữ gần như độc quyền. Nhưng về lâu dài, xung đột sẽ dẫn đến hậu quả cô lập một quốc gia Trung Quốc không thể nào đồng điệu với các nước.

Các yêu sách của Trung Quốc hoàn toàn phi pháp

Trung Quốc đòi 80%-90% diện tích biển Đông, nghĩa là bằng với diện tích Địa Trung Hải. Các yêu sách của Trung Quốc phát triển từ năm 1947. Bản đồ của Trung Quốc xác định chủ quyền bằng chín đoạn rồi từ năm 2013 là 10 đoạn bao trùm luôn Đài Loan.

Ngay tại Trung Quốc cũng có nhiều cách diễn giải khác nhau. Có trường phái bênh vực cho quan điểm vùng biển lịch sử. Quan điểm này không có bất kỳ giá trị nào đối với Công ước của LHQ về Luật Biển. Một trường phái khác bênh vực cho vùng biển chủ quyền. Lập luận này cũng không chính đáng. Dù vậy Trung Quốc vẫn xây dựng các công trình ở quần đảo Trường Sa.

Về quyền của máy bay tuần tra Mỹ bay trên các đảo do Trung Quốc bồi đắp, quyền đó hoàn toàn hợp pháp. Đó là không phận thuộc vùng biển quốc tế mà Trung Quốc đang cố chiếm đoạt. Biển Đông phải để ngỏ. Mỹ, Nhật và các nước trong khu vực đều đang đấu tranh điều đó. Vấn đề là Trung Quốc có nguy cơ lập vùng nhận dạng phòng không như đã làm trên biển Hoa Đông.

Tướng về hưuDANIEL SCHAEFFER, đã từng làm tùy viên quân sự ở Thái Lan (1986-1989), Việt Nam (1991-1995) và
Trung Quốc (1997-2000).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm