Hàn Quốc cân nhắc sở hữu tàu ngầm hạt nhân

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang phân vân trước khả năng sở hữu tàu ngầm hạt nhân để đối phó với các đe dọa từ tàu ngầm Triều Tiên, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết. Ngày 24-8, Triều Tiên phóng tên lửa SLBM bay xa 500 km và rơi xuống vùng biển Nhật Bản thuộc vùng nhận dạng phòng không của Nhật.

Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) thành công, nhiều nghị sĩ đảng cầm quyền Saenuri và chuyên gia quân sự Hàn Quốc đã đưa ra ý tưởng nâng cấp sức mạnh đội tàu ngầm nước này với một tàu ngầm hạt nhân có khả năng di chuyển ngầm dưới nước lâu hơn tàu ngầm động cơ điện-diesel thông thường.

Các nghị sĩ đảng Saenuri ra tuyên bố cho rằng quân đội Hàn Quốc cần phát triển tàu ngầm hạt nhân, có khả năng phát hiện và tấn công tàu ngầm Triều Tiên tốt hơn. “Hàn Quốc với biển bao quanh ba phía đang nằm trong tầm đe dọa của tên lửa SLBM của Triều Tiên. Cần thiết phải có tàu ngầm hạt nhân để đối phó đe dọa này.” Yonhap dẫn lời nghị sĩ Won Yoo-chul đại diện nhóm nghị sĩ này.

Các nghị sĩ đảng cầm quyền Saenuri trong một buổi họp bàn cách đối phó đe dọa từ Triều Tiên ngày 4-8.
Các nghị sĩ đảng cầm quyền Saenuri trong một buổi họp bàn cách đối phó đe dọa từ Triều Tiên ngày 4-8. Ảnh: YONHAP

Đây là lần hiếm hoi các đảng đối lập cùng tham gia với đảng cầm quyền đề nghị Bộ Quốc phòng thúc đẩy sở hữu tàu ngầm hạt nhân. “Tàu ngầm động cơ điện - diesel thông thường không có nhiều khả năng phát hiện tàu ngầm Triều Tiên có tên lửa SLBM, cần thiết phải có tàu ngầm hạt nhân” - Nghị sĩ Chin Young thuộc đảng đối lập Minjoo nói.

Nhiều chuyên gia về Triều Tiên cũng có quan ngại và kêu gọi tương tự. Theo chuyên gia Yang Wook tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, phát triển tàu ngầm hạt nhân là cách duy nhất đối phó với tên lửa SLBM từ Triều Tiên, vì tàu ngầm hạt nhân có thể theo dõi tàu ngầm Triều Tiên chở tên lửa SLBM mà ít có nguy cơ bị phát hiện.

“Tàu ngầm hạt nhân không phải là vũ khí hạt nhân mà là một tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân. Vì thế Mỹ không có lý do gì để phản đối nếu chúng ta quyết định phát triển một tàu ngầm hạt nhân vì mục đích tự vệ” - theo ông Yang.

Nhiều chuyên gia tên lửa cũng cùng nhận định. Theo họ, tiến trình phát triển, chế tạo tàu ngầm hạt nhân phải mất nhiều năm. Trong thời gian này Hàn Quốc cần Mỹ hỗ trợ bằng cách triển khai tàu ngầm hạt nhân gần bán đảo Triều Tiên giúp phát hiện tàu ngầm Triều Tiên chở tên lửa SLBM. Tên lửa SLBM rất khó bị phát hiện trước khi nó được phóng lên trên mặt nước.

Trong khi đó theo Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vẫn chưa chính thức bàn về khả năng này và có lẽ đang tính toán giữa những lợi ích và thách thức của loại vũ khí này.

Trong ngày 29-8, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ tăng năng lực tàu ngầm Hàn Quốc để đối phó với các đe dọa đang tăng lên từ tên lửa Triều Tiên, tuy nhiên hiện “vẫn chưa có quyết định về việc phát triển một tàu ngầm hạt nhân”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo trong cuộc họp với các nghị sĩ Hàn Quốc ngày 29-8.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo trong cuộc họp với các nghị sĩ Hàn Quốc ngày 29-8. Ảnh: YONHAP


“Đang có nhiều ý kiến kêu gọi Hàn Quốc sở hữu tàu ngầm hạt nhân để tự vệ tốt hơn. Bộ Quốc phòng sẽ cân nhắc khả năng này.” Bộ trưởng Han Min-koo nói trong buổi trả lời câu hỏi của các nghị sĩ về sự chuẩn bị của quân đội trước đe dọa ngày càng tăng của tên lửa Triều Tiên 29-8. Ông cho rằng Triều Tiên có thể sẽ mất 1-3 năm để phát triển toàn diện tên lửa SLBM, đạt được khả năng bắn tới đất Mỹ.

Lý do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chưa quyết định phát triển tàu ngầm hạt nhân theo nhiều nhà quan sát quân sự có lẽ do lo ngại việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân sẽ khiến Hàn Quốc bị phán xét đang tìm cách vũ trang hạt nhân, và sẽ gây những quan ngại an ninh không cần thiết cho các nước láng giềng.

“Đây không phải là vấn đề đơn giản, khi phát triển tàu ngầm hạt nhân sẽ xung đột với nguyên tắc phi hạt nhân hóa của chúng ta.” Yonhap dẫn lời một quan chức quân đội Hàn Quốc không nêu tên.

Yonhap nhận định việc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không bác bỏ thẳng thừng khả năng sở hữu tàu ngầm hạt nhân có thể hiểu là nước này sẽ chọn khả năng này nếu Triều Tiên thúc đẩy chương trình hạt nhân.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Park Geun-hye đề nghị quân đội chuẩn bị toàn diện đối phó với các loại hình khiêu khích từ Triều Tiên và sẵn sàng phản ứng với các cuộc tấn công từ Triều Tiên.

Hàn Quốc dự đoán Triều Tiên sẽ còn phóng thêm tên lửa SLBM và thậm chí sẽ phát triển một tàu ngầm hạt nhân trong những năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm