Hàn Quốc gia tăng trẻ em hai dòng máu

Số lượng trẻ tăng vọt

Điều đáng ngạc nhiên hơn là sự tăng vọt số lượng trẻ sơ sinh mang hai dòng máu với cha là người Hàn Quốc còn mẹ đến từ Trung Quốc, Việt Nam và các khu vực khác ở châu Á.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra trên khắp Hàn Quốc, nơi hàng trăm ngàn phụ nữ nước ngoài nhập cư vào nước này trong những năm gần đây, thường dưới dạng các cuộc hôn nhân thông qua môi giới. Sự bùng nổ số lượng trẻ hai dòng máu là sản phẩm của số lượng các cuộc hôn nhân với người nước ngoài tăng vọt, khi mà ngày càng nhiều các cô gái Hàn Quốc chọn lối sống độc thân và phụ nữ tỉnh lẻ đổ xô về các thành phố lớn như Seoul làm việc.

Hàn Quốc gia tăng trẻ em hai dòng máu ảnh 1

Một bà mẹ trẻ nhập cư từ Campuchia đón chào đứa con trai mới sinh

Điều này đã khiến đàn ông sống tại các vùng nông thôn Hàn Quốc tìm vợ tại các khu vực nghèo hơn ở châu Á. Không chỉ vậy, xu hướng thích con trai cũng góp phần tạo nên sự mất cân bằng dân số tại Hàn Quốc, do đó, số lượng phụ nữ bản địa lập gia đình ít hơn so với nam giới.

Theo thống kê của Bộ An sinh xã hội Hàn Quốc, tổng số trẻ em sinh ra từ các gia đình đa văn hóa tại nước này đã tăng từ 58.007 vào tháng 12-2008 lên 107.689 vào tháng 5-2009. Mặc dù trẻ mới sinh chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số gần 12 triệu người dưới 19 tuổi, nhưng các nhà nghiên cứu nhân khẩu học cho rằng nếu hôn nhân với người nước ngoài tiếp tục tăng lên với tỷ lệ hiện thời - chiếm 11% trong tổng số các cuộc hôn nhân vào năm 2008 - thì cứ 9 trẻ Hàn Quốc có hơn 1 trẻ mang hai dòng máu vào năm 2020.

Xu hướng này thậm chí còn rõ rệt hơn tại các vùng nông thôn. Theo Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, vào năm 2020, trong số các gia đình nông dân, 49% trẻ em sẽ đến từ các gia đình đa văn hóa. Hiện tượng này diễn ra trong khi tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc trung bình chỉ 1,22 trẻ em trên mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, một trong những tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Những lo ngại xã hội

Trong khi nhiều người Hàn Quốc hy vọng rằng số lượng trẻ mang hai dòng máu tăng lên sẽ giúp làm trẻ lại xã hội đang già hóa nhanh ở nước này, một số khác lo ngại sự thất bại trong việc giúp những trẻ em này hòa nhập tốt có thể tạo ra những cộng đồng dân tộc thiểu số nghèo như đã xảy ra ở Mỹ và châu Âu. Mặc dù phần lớn những trẻ em này đều có cha là người Hàn Quốc và có quốc tịch Hàn Quốc, bộ phận con lai thường không có vị trí ổn định trong một xã hội coi trọng tư cách công dân dựa trên dòng máu như ở Hàn Quốc.

Sự tăng vọt trẻ em hai dòng máu đang tạo nên những sức ép lên giáo dục Hàn Quốc. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, tỷ lệ trẻ em hai dòng máu bỏ học giữa chừng ở bậc tiểu học là 15,4%, gấp 22 lần so với tỷ lệ trung bình trên toàn quốc. Các chuyên gia xã hội cho rằng một phần nguyên nhân là sự thiếu các kỹ năng ngôn ngữ Hàn Quốc của các bà mẹ khiến họ không thể thực hiện vai trò xã hội như mong muốn trong việc hướng dẫn con cái vượt qua hệ thống giáo dục sức ép cao tại nước này.

Trong khi đó, hầu hết phụ nữ nước ngoài kết hôn với những nông dân hoặc những người lao động chân tay nhiều tuổi hơn mình, với khoảng 53% các gia đình sống dựa vào tiền lương hoặc tiền làm công tối thiểu theo giờ là 4.000 won (ít hơn 3,5USD). 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia xã hội, nguy cơ lớn nhất đối với các trẻ em này là chúng sẽ bị tẩy chay trong xã hội. Những nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em mang hai dòng máu thường bị bắt nạt ở trường nhiều hơn so với các trẻ em khác. Để hạn chế tình trạng này, Chính phủ Hàn Quốc đã mở 119 trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa trên cả nước trong vòng 3 năm qua nhằm hỗ trợ dạy học và đào tạo việc làm.

Theo NGUYỄN TUYÊN (ANTĐ/NYTIMES)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm