Hàn-Mỹ phối hợp chống Triều Tiên

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 24-3 đưa tin hai ngày trước đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc tướng Jung Seung-jo và Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc tướng James Thurman đã ký kết kế hoạch phối hợp tác chiến chống các hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên.

Theo kế hoạch, lực lượng quân sự Hàn Quốc sẽ chủ động đáp trả những hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên. Nếu Triều Tiên tiếp tục leo thang, Mỹ sẽ hỗ trợ đáp trả bằng lực lượng quân sự đóng tại Hàn Quốc và bên ngoài Hàn Quốc bao gồm các căn cứ quân sự tại khu vực Thái Bình Dương gồm Nhật.

Trước đây, lực lượng Mỹ chỉ cam kết hỗ trợ khi nào chiến tranh toàn diện nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tùy thuộc vào mức độ khiêu khích và điều kiện tác chiến, Mỹ có thể tấn công vào lãnh thổ của CHDCND Triều Tiên.

Hàn-Mỹ phối hợp chống Triều Tiên ảnh 1

Lãnh đạo tối cao Kim Jong-un thị sát lính biệt kích của Đơn vị 1973 tập bắn súng ở tỉnh Nam Pyongan ngày 22-3. Ảnh: RODONG SINMUN

Theo Yonhap, Hàn Quốc và Mỹ bắt tay soạn thảo kế hoạch này từ năm 2010 khi CHDCND Triều Tiên đánh đắm tàu chiến Hàn Quốc Cheonan và nã pháo vào đảo biên giới Yeonpyeong của Hàn Quốc.

Cùng ngày, báo Minju Joson (CHDCND Triều Tiên) có bài viết chỉ trích hải quân Hàn Quốc đang chuẩn bị các hoạt động ồn ào để kỷ niệm ba năm sự kiện tàu chiến Cheonan bị đắm (26-3) nhằm che giấu sự thật về vụ việc và đổ trách nhiệm cho CHDCND Triều Tiên.

Cũng trong ngày 24-3, một quan chức cấp cao ở Nhà Xanh (Văn phòng tổng thống Hàn Quốc) cho biết chính phủ Hàn Quốc sẽ chủ động tiếp cận CHDCND Triều Tiên hơn bằng cách tăng cường các dự án trao đổi và hỗ trợ CHDCND Triều Tiên nếu nước này nỗ lực xây dựng hòa bình và kiềm chế các hành động khiêu khích.

Quan chức này cho biết nguyên tắc của Tổng thống Park Geun-hye là bất cứ biến cố chính trị nào cũng không làm ngưng hoàn toàn các chương trình trao đổi và viện trợ nhân đạo liên Triều. Đây là sự khác biệt trong chính sách của bà Park Geun-hye đối với Bình Nhưỡng so với người tiền nhiệm Lee Myung-bak.

Trước đó một ngày, hãng tin AP cho biết Trung Quốc đang trừng phạt CHDCND Triều Tiên vì các vụ thử hạt nhân và tên lửa của nước này thông qua việc thắt chặt kiểm tra hàng hóa xuất khẩu qua biên giới CHDCND Triều Tiên. Các công ty vận tải và thương mại Trung Quốc ở các cảng và thành phố gần biên giới CHDCND Triều Tiên phàn nàn rằng hàng hóa của họ bị kiểm tra gắt gao hơn khiến chi phí kinh doanh tăng lên. Máy móc, hàng hóa xa xỉ và thiết yếu như gạo, dầu ăn là những mặt hàng hóa bị kiểm tra nhiều nhất.

AP nhận định sự điều chỉnh chính sách của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên không phải báo hiệu cho sự chấm dứt ủng hộ CHDCND Triều Tiên hoàn toàn. Trung Quốc vẫn xem CHDCND Triều Tiên là vùng đệm chiến lược quan trọng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Các lãnh đạo Trung Quốc lo ngại gây sức ép quá nhiều có thể khiến nền kinh tế CHDCND Triều Tiên kiệt quệ và dẫn đến sự sụp đổ chính phủ của ông Kim Jong-un. Hệ lụy của viễn cảnh này là Bắc Kinh phải đối mặt với tình trạng an ninh bất ổn và làn sóng người tỵ nạn CHDCND Triều Tiên tràn qua biên giới Trung Quốc.

Ngày 24-3, Thông tấn xã KCNA (CHDCND Triều Tiên) đăng bài viết chỉ trích những kẻ hiếu chiến Hàn Quốc lên kế hoạch xây dựng sân bay quân sự ở đảo Baengnyeong sát với biên giới CHDCND Triều Tiên.

Trước đó hai ngày, hãng tin Yonhap dẫn các nguồn tin quân sự cho biết Hàn Quốc sẽ xây sân bay quân sự ở đảo Baengnyeong để phục vụ các sứ mệnh tác chiến của máy bay trực thăng quân sự AH-1 Cobra.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm