Hậu quả từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc

Hậu quả từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc ảnh 1Các nhà đầu tư Trung Quốc tại sàn giao dịch ở Vũ Hán, Hồ Bắc. (Nguồn: Getty images)

Theo bài báo, sau khi các chỉ số tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến tăng mạnh tới 100% từ cuối năm 2014, đến tháng 6/2015, chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã mất khoảng 1/3 giá trị chỉ trong vài phiên giao dịch và gây ra nỗi hoảng sợ đối với các nhà đầu tư - điều mà Chính phủ Trung Quốc nói là vô lý.
Song dù có lý hay vô lý thì sự sụt giảm này chắc chắn cũng gây ra những hậu quả xấu đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ngày 17/11/2014, Trung Quốc đã đi một bước quan trọng trong việc hội nhập thị trường tài chính Trung Quốc với thị trường quốc tế khi đưa sàn giao dịch Thượng Hải kết nối giao dịch với sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Lần đầu tiên tất cả các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của các công ty niêm yết tại Trung Quốc chỉ cần thông qua phần mềm giao dịch "Connect".
Các tổ chức tài chính từ Trung Quốc cũng có thể trực tiếp đầu tư vào các thị trường tài chính ở Hong Kong. Tuy nhiên, chỉ có một số giới hạn các ngân hàng và các quỹ nước ngoài được Bắc Kinh lựa chọn mới có thể đầu tư bằng đồng nhân dân tệ trên sàn chứng khoán Thượng Hải.
Chính quyền Trung Quốc muốn thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng điểm với ba mục tiêu: Tự do hóa thị trường vốn để thực hiện chương trình cải cách kinh tế; tăng vốn đầu tư cá nhân trong các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ phần lớn cổ phần; và tạo sự cạnh tranh với hai trung tâm tài chính của Mỹ là các sàn giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq.
Theo ước tính hiện có khoảng 8,5% số cổ phiếu niêm yết tại hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến được mua theo hình thức tín dụng trong khi con số này ở Mỹ là chưa tới 3%. Thời gian qua, các công ty môi giới và ngân hàng Trung Quốc đã tăng cường sử dụng các đòn bảy tài chính để thu hút nhà đầu tư mới. Các khoản đầu tư tài chính thông qua đòn bảy từ các công ty môi giới lên tới 355 tỷ USD vào cuối tháng 6/2015, nhưng tổng số tiền các nhà đầu tư đi vay đổ vào thị trường có thể còn cao hơn nhiều.
Các ngân hàng hợp tác với các công ty đầu tư và môi giới để huy động vốn cung cấp các sản phẩm phái sinh, càng làm tăng hiệu ứng của đòn bẩy tài chính. Có khoảng 100 triệu nhà đầu tư tư nhân ở Trung Quốc đã đổ xô vào các cổ phiếu mới niêm yết và cổ phiếu phát hành lần đầu (IPO).
Thị trường chứng khoán Trung Quốc suy giảm mạnh phần lớn là do sự mất điểm của các mã cổ phiếu này, và cả từ việc các công ty môi giới bán cổ phiếu thế chấp do bị yêu cầu ký quỹ bổ sung (giá trị tài sản ký quỹ của khách hàng giảm xuống dưới mức yêu cầu ký quỹ duy trì).
Sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc diễn ra trong hai đợt. Đợt thứ nhất bắt đầu từ ngày 12/6 khi Trung Quốc ngăn chặn sự bùng nổ các giao dịch ký quỹ (phần lớn nhà đầu tư không phát hiện ra đợt sụt giảm này).
Nhưng trên thực tế, đây là sự bắt đầu của sự sụp đổ như núi lở tiếp theo liên tục đến ngày 8/7. Nhằm ngăn chặn đà bán tháo và trấn an nhà đầu tư, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt và khắc nghiệt như: nới lỏng các hạn chế về giao dịch ký quỹ và khuyến khích nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường; thành lập một ủy ban điều tra để rà soát thị trường và chống lại các hoạt động thao túng thị trường chứng khoán; cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 4,85%, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại để khuyến khích các ngân hàng thương mại duy trì tín dụng cho các nhà đầu tư; bơm thêm thanh khoản cho các ngân hàng thương mại; cấm các quỹ hưu trí bán chứng khoán; cấm các hoạt động bán khống; cấm các cổ đông lớn (sở hữu trên 5% cổ phần) bán cổ phần trong thời gian 6 tháng; và đình chỉ giao dịch của 1.249 công ty niêm yết trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến (43% các công ty được niêm yết).
Có thể nói sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, nhưng có 2 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất là ngành sản xuất ôtô và thị trường nguyên liệu đầu vào.
Thực tế, khi thị trường cổ phiếu bùng nổ thì lượng đặt hàng ôtô cũng tăng tương ứng, và khi giá cổ phiếu sụt giảm thì số đơn đặt hàng cũng giảm theo và hơn nữa rất nhiều khách hàng đã hủy các đơn đặt hàng ôtô trước đó. Tháng 6/2015, lượng xe đăng ký mới giảm 3,2%.
Đây là tình trạng tồi tệ nhất tại quốc gia này từ 2 năm qua. Các ngành vật liệu và nguyên liệu đầu vào cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong những tuần gần đây bởi những lo ngại về hậu quả của suy thoái kinh tế ở Trung Quốc. Lĩnh vực khai khoáng đã sụt giảm trở lại mức năm 2009. Các lĩnh vực sản xuất hàng hóa cao cấp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Cú lao dốc của thị trường chứng khoán đã có tác động mạnh tới lĩnh vực tài chính. Trên 3.000 tỷ USD đã tan biến vì sự sụt giảm vừa qua của các chỉ số chứng khoán. Tháng 6/2015, công ty MSCI đã hoãn việc đưa cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đại lục thành một trong những chỉ số tham chiếu quốc tế.
Nếu giá cổ phiếu tiếp tục giảm dẫn đến việc cắt lỗ tự động và có sự thắt chặt thanh khoản trên thị trường thì đây sẽ là một thảm họa đối với các nhà đầu tư Trung Quốc và cả đối với các công ty tài chính liên quan đến đầu cơ cổ phiếu.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng phải giữ một giới hạn nhất định quyền lực của mình trong việc can thiệp vào một thị trường mở cho công chúng vì không thể in hoặc bơm thêm tiền để mua hết cổ phiếu khi đại đa số nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu.
Điều đó có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dẫn đến những khó khăn trong điều hướng của thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng điều may mắn cho Trung Quốc là giá trị cổ phiếu trên thị trường hiện không tác động mạnh tới nền kinh tế thực và vì vậy cú lao dốc vừa qua chưa trực tiếp dẫn đến sụt giảm tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn thì chưa ai biết là điều gì sẽ xảy ra./.
Theo Vietnam+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm