Hé lộ mệnh lệnh giải cứu công dân Mỹ tại Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson xác nhận công dân Mỹ Otto Warmbier, bị Triều Tiên bắt 17 tháng trước, đã được chính phủ Bình Nhưỡng trả về nước ngày 13-6. Theo hãng tin ABC News, chuyến bay chở chàng sinh viên Mỹ hồi hương đã đáp xuống sân bay TP Cincinnati (Ohio) vào khoảng 22 giờ 20 ngày 13-6 (giờ địa phương, tức khoảng 9 giờ 20 ngày 14-6 giờ VN).

Hôn mê 15 tháng vì… trúng thực?

Fred và Cindy Warmbier - cha mẹ của chàng sinh viên 22 tuổi chưa kịp hưởng niềm vui đoàn tụ cùng con trai thì đã phải nhận tin dữ từ trước khi chiếc máy bay hạ cánh.

Họ bước vào máy bay chỉ ít phút rồi trở ra ngay, theo sau họ là Otto Warmbier được nhân viên y tế đưa xuống bằng cáng cứu thương. Đầu anh cạo trọc và dẫn ống vào mũi để tiếp dưỡng chất. Anh được chuyển khẩn cấp đến Trung tâm Y tế ĐH Cincinnati để điều trị. Cha mẹ của Warmbier cho biết con trai mình đã trong tình trạng hôn mê suốt gần 15 tháng qua, tức không lâu sau khi anh bị tuyên án 15 năm lao động khổ sai vào tháng 3-2016.

Trước đó, khi Ngoại trưởng Rex Tillerson xác nhận thông tin Triều Tiên chấp nhận thả người, ông đã từ chối tiết lộ thêm về tình hình sức khỏe của sinh viên người Mỹ. Sáng 13-6 (giờ địa phương), khi tiết lộ với truyền thông rằng con trai họ sắp được thả về nước, Fred và Cindy không hề biết con trai mình đang trong tình trạng nghiêm trọng đến vậy, tờ The Washington Post cho biết.

Lý do vì sao một thanh niên người Mỹ hoàn toàn khỏe mạnh khi đặt chân đến Bình Nhưỡng vào tháng 1-2016, sau hơn một năm rưỡi nay đã trong tình trạng hôn mê sâu vẫn là một bí ẩn. Theo tờ The Washington Post, phía Triều Tiên đã thông báo với Fred và Cindy rằng con trai họ vì bị “ngộ độc thịt” mà nên nông nỗi này nhưng các y bác sĩ đi cùng chuyến bay vẫn chưa thể xác nhận. Trong khi đó, tiết lộ với tờ The New York Times, một quan chức cấp cao giấu tên cho biết Warmbier đã bị đánh đập liên tiếp trong thời gian bị giam giữ. Theo ông, trước đó tình báo Mỹ thậm chí từng lo rằng chàng sinh viên này đã tử vong.

Otto Warmbier bị áp giải ra tòa án Bình Nhưỡng ngày 16-3-2016. Ảnh: REUTERS

Cuộc giải cứu thần tốc

Trong khi câu hỏi về nguyên nhân hôn mê của Warmbier vẫn còn chưa có lời giải, ẩn số bằng cách nào Washington thuyết phục được Bình Nhưỡng thả tự do cho chàng sinh viên Mỹ đã được truyền thông dần hé lộ.

Theo những ghi nhận của tờ The Washington Post, đại diện của Mỹ và Triều Tiên đã có một cuộc gặp bí mật ở Oslo (Na Uy) vào tháng qua. Joseph Yun, biệt phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Triều Tiên, đã thuyết phục được các quan chức Triều Tiên cho phép các nhà ngoại giao Thụy Sĩ tại Bình Nhưỡng được thăm bốn công dân Mỹ còn đang bị giam giữ.

Tuy nhiên, sau đó ở thủ đô Triều Tiên, phái đoàn của Thụy Sĩ chỉ được thăm một công dân Mỹ duy nhất và người đó không phải là Warmbier. Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục tăng sức ép, đòi các cộng sự Thụy Sĩ được gặp toàn bộ ba tù nhân còn lại. Không lâu sau, phía Triều Tiên đã bất ngờ đề nghị một cuộc gặp khẩn với ông Yun tại New York và tiết lộ về tình hình nguy cấp của chàng sinh viên người Mỹ. Ngay lập tức Joseph Yun điện báo cho Ngoại trưởng Tillerson và thông tin được trình ngay cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, một quan chức tiết lộ cho tờ The Washington Post.

Mọi quyết định được đưa ra nhanh chóng. Ông Yun nhận chỉ thị chuẩn bị đến Bình Nhưỡng với sứ mệnh đưa Warmbier trở về Mỹ bằng mọi giá. Một đội nhân viên y tế và máy bay chuyên dụng được thu xếp khẩn trương. Phía Triều Tiên nhận thông báo rằng phái đoàn Mỹ sắp đến. “Không phải là xin phép, phía Mỹ thẳng thừng thông báo với Triều Tiên rằng máy bay sẽ đáp xuống, quan chức và nhân viên y tế Mỹ sẽ bước ra” - một quan chức giấu tên kể lại.

Cũng theo người này, Tổng thống Trump đã ra chỉ thị trực tiếp cho ông Yun yêu cầu phía Triều Tiên cho gặp Warmbier ngay lập tức và “nếu cậu ấy không khỏe” thì yêu cầu thả người ngay và đưa lên máy bay di tản về Mỹ. Máy bay của ông Yun đáp xuống sân bay quốc tế Bình Nhưỡng vào ngày 12-6, chưa đầy một ngày sau phía Triều Tiên đồng ý trả người với lý do nhân đạo.

Quyết định thả người của Triều Tiên được đưa ra đúng vào ngày Dennis Rodman, cựu vận động viên bóng rổ Mỹ được lãnh đạo Kim Jong-un xem như “người bạn trọn đời”, đến Bình Nhưỡng. Tiết lộ với tờ The Washington Post, các quan chức có liên quan đến chiến dịch giải cứu khẳng định đây chỉ là “sự trùng hợp kỳ lạ”. Một số người nghi rằng Triều Tiên mời ông Rodman đến thăm để đánh lạc hướng dư luận trong nước về quyết định thả người.

Bà Heather Nauert, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: “Dennis Rodman không liên quan gì đến quyết định thả anh Warmbier”.

Muốn đổi “chiến tích” lấy xe hơi

Chàng sinh viên của ĐH Virgnia Otto Warmbier vào tháng 3-2016 đã bị Triều Tiên buộc tội có “hành động thù địch chống phá nhà nước”. Anh bị bắt giữ trước đó hai tháng, ngay tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng khi đang chuẩn bị xuất cảnh trở về Mỹ sau khi kết thúc tuor du lịch dành cho người nước ngoài tại Triều Tiên.

Theo cáo buộc và các đoạn băng ghi hình mà phía Bình Nhưỡng công bố, anh đã trộm một biểu ngữ tuyên truyền tại khách sạn quốc tế Yanggakdo (Bình Nhưỡng) mang nội dung: “Hãy thấm nhuần tinh thần yêu nước của lãnh đạo Kim Jong-il”. Trong lời khai nhận tội vào ngày 29-2-2016, Warmbier thừa nhận hành vi trộm biểu ngữ này làm “chiến tích” mang về quê nhà. Một người đồng hương sẵn sàng tặng chàng sinh viên chiếc xe trị giá 10.000 USD để có được biểu ngữ này.

“Hãy chăm sóc Otto”

Là chỉ thị cuối cùng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển đến Ngoại trưởng Tillerson sau khi được thông báo rằng Otto Warmbier đang trên máy bay trở về Mỹ vào sáng 13-6.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm