Hội nghị Copenhagen: Công bố dự thảo mới về khí hậu

Một dự thảo mới về khí hậu đã được công bố tại hội nghị thượng đỉnh thế giới về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Copenhagen (Đan Mạch) ngày 15-12 theo giờ địa phương.

Dự thảo mới không nêu cụ thể mức giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như số tiền phải đầu tư để đối phó với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, dự thảo đầu tiên công bố ngày 11-12 đưa ra hai mục tiêu giảm nhiệt độ trái đất rất cụ thể là 1,5o và 2o

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố Pháp và châu Phi sẽ công bố một dự thảo văn bản chung có quy định cụ thể mức giảm khí thải và tiền đầu tư. 

Nỗi lo một văn kiện mới

Trước đó, vào cuối ngày 14-12, hội nghị làm việc trở lại bình thường sau hơn một buổi tạm ngưng. Lý do: 53 nước châu Phi do Algeria đứng đầu được Trung Quốc và Ấn Độ hậu thuẫn đã tuyên bố tẩy chay hội nghị.

Hội nghị Copenhagen: Công bố dự thảo mới về khí hậu ảnh 1

Tại Copenhagen ngày 14-12, Tổng Giám mục Desmond Tutu người Nam Phi (giải Nobel hòa bình năm 1984) cầm trong tay kiến nghị có chữ ký của 512.894 người kêu gọi bảo vệ khí hậu trái đất. Kiến nghị được trao lại cho LHQ.

Mục đích tẩy chay nhằm yêu cầu bà Connie Hedegaard, chủ tọa hội nghị, phải dành hẳn một phiên họp toàn thể để thảo luận về tương lai của nghị định thư Kyoto năm 1997 (sẽ hết hạn vào năm 2012). Bà Connie Hedegaard đã bảo đảm sẽ thảo luận về vấn đề này.

Đây là lần thứ hai các nước châu Phi tẩy chay hội nghị về khí hậu. Lần đầu xảy ra tại phiên họp trù bị cuối cùng cho hội nghị Copenhagen hồi tháng 11. Các nước châu Phi tẩy chay trong một ngày cho đến khi các nước giàu đồng ý công bố kế hoạch cắt giảm khí thải.

Các nước châu Phi dựa vào nghị định thư Kyoto bởi nghị định thư buộc 38 nước công nghiệp hóa (trừ Mỹ không phê chuẩn) phải giảm chung 5,2% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2012 so với mức năm 1990. Nghị định thư cũng buộc chỉ các nước phát triển phải tuân thủ nghị định.

Ngoài ra, các nước đang phát triển cũng lo ngại nếu ký một văn kiện mới như Mỹ mong muốn, văn kiện mới chưa chắc ràng buộc về chỉ tiêu cắt giảm khí thải cụ thể. Họ còn lo ngại nếu văn kiện mới buộc các nước đang phát triển phải giảm khí thải, ít nhiều kinh tế của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng.    

Thảm họa thiên nhiên vẫn tăng

Ngày 14-12, tại hội nghị Copenhagen, Tổ chức Chiến lược quốc tế giảm nhẹ thảm họa LHQ, Trung tâm Nghiên cứu bệnh dịch từ thảm họa thuộc LHQ, Tổ chức Khí tượng thế giới và Chương trình Phát triển của LHQ đã công bố báo cáo về thảm họa thiên nhiên trong 11 tháng năm 2009.

Theo báo cáo, trong 11 tháng qua, trên thế giới có 55 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên, chiếm gần 95% trong 59 triệu người chịu ảnh hưởng từ 245 thảm họa các loại. Trong số đó có 7.000/8.900 người chết, thiệt hại 15/19 tỉ USD.

Báo cáo ghi nhận bão và lũ là hai loại thảm họa thiên nhiên ảnh hưởng đến nhiều người nhất (48 triệu người) và chủ yếu xảy ra ở châu Á. Hạn hán lại là thảm họa thiên nhiên gây ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng nhất. Tại châu Phi, trong 30 năm qua, hạn hán chỉ chiếm 20% thảm họa thiên nhiên nhưng ảnh hưởng đến 80% dân số.
Báo cáo nhận xét số thảm họa thiên nhiên tăng gần 10 lần tính từ thập niên 1950 (trung bình gần 50 thảm họa) đến thập niên 2000 (trung bình 450 thảm họa).

Báo cáo cảnh báo với đà này, trong tương lai sẽ có thêm rất nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là phân nửa dân số thế giới sống ven biển. Báo cáo khuyến cáo cần thiết lập hệ thống dự báo sớm để quản lý rủi ro và chuẩn bị kế hoạch đối phó tốt hơn cho dân chúng.

Khoảng 3.000 người đã biểu tình trước Quốc hội Đan Mạch ở Copenhagen. Họ hô vang các khẩu hiệu: “Chống thành phần tư bản”, “Cách mạng”, “Khí hậu của chúng ta chứ không phải việc kinh doanh của mấy ông”  và còn đòi mở cửa biên giới cho thành phần tị nạn khí hậu. 

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Stephen Chu thông báo Nhà Trắng đã đưa ra chương trình hợp tác quốc tế mới nhằm đầu tư phát triển năng lượng xanh ở các nước đang phát triển. Chương trình trị giá 350 triệu USD, kéo dài trong năm năm. Mỹ sẽ chịu 85 triệu USD, phần còn lại của Úc, Anh, Na Uy và Thụy Sĩ.

HOÀNG DUY - THIÊN ÂN (Theo UNISDR, Xinhua, AFP, le Figaro)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm