Hội nghị Copenhagen: Mỹ và Trung Quốc không nhượng bộ

Hai nước xả khí thải nhiều nhất

Bất đồng giữa hai nước có khí thải nhà kính nhiều nhất thế giới (Trung Quốc và Mỹ) là nguyên nhân chính khiến hội nghị tiến triển chậm chạp.

Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh bất cứ thỏa thuận khí hậu nào cũng phải minh bạch để các nước có thể giám sát nhau về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông khẳng định Mỹ chỉ cam kết đóng góp vào quỹ 100 tỉ USD hỗ trợ các nước nghèo vào năm 2020 với điều kiện phải có cơ chế giám sát. Ông kêu gọi các nước phải đi đến thỏa thuận về khí hậu dù chưa hoàn hảo.

Hội nghị Copenhagen: Mỹ và Trung Quốc không nhượng bộ ảnh 1

Ngày 18-12, tại Copenhagen, các nhà hoạt động môi trường đồng lòng cạo trọc đầu để phản đối hội nghị tiến triển chậm chạp

Bài phát biểu của Tổng thống Obama đã gây thất vọng cho các nước vì Mỹ không đưa ra thêm cam kết nào cao hơn về mức cắt giảm khí thải cũng như không hứa hẹn thêm khoản hỗ trợ nào nữa cho các nước nghèo.

Trong khi đó, Trung Quốc phản đối cơ chế giám sát như Mỹ mong muốn. Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định Trung Quốc sẽ thực hiện các cam kết tự nguyện về cắt giảm khí thải dù kết quả hội nghị ra sao và hứa Trung Quốc sẽ minh bạch hơn về giám sát thực hiện việc cắt giảm khí thải.

Trước đó, đoàn Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng chấp nhận quốc tế giám sát bất kỳ dự án cắt giảm khí thải nào ở Trung Quốc được quốc tế tài trợ nhưng không cho giám sát chương trình cắt giảm khí thải tự nguyện.

Thủtướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố kết quả hội nghị sẽ không như mong đợi và đề nghị năm 2010 đàm phán tiếp.

Trước nguy cơ hội nghị thất bại, Tổng thống Obama và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã gặp riêng một giờ, sau đó chỉ đạo các trợ lý tiếp tục thảo luận.

Chỉ là tuyên bố chính trị

Các nguồn tin tại hội nghị cho biết nội dung bản dự thảo khí hậu mới đưa ra để các nước thảo luận vào sáng ngày 18-12 chỉ là tuyên bố chính trị chứ không phải thỏa thuận ràng buộc.

Dự thảo kêu gọi khống chế nhiệt độ tăng không quá 2oC trong thế kỷ này. Con số này làm các đảo quốc đang có nguy cơ bị chìm trong nước biển thất vọng vì họ muốn nhiệt độ tăng không quá 1,5oC.

Dự thảo đưa ra gói hỗ trợ cho các nước nghèo với mức khởi điểm 10 tỉ USD/năm trong thời gian 2010-2012, sau đó tăng dần đến 100 tỉ USD/năm vào năm 2020. Dự thảo cũng kêu gọi tiếp tục đàm phán về các cam kết cắt giảm khí thải với thời hạn cuối cùng hoàn thành là hội nghị về khí hậu ở TP Mexico City (Mexico) vào tháng 12-2010.

Các chuyên gia môi trường nhận định nếu hội nghị kết thúc bằng một tuyên bố chính trị thì hội nghị đã thất bại sau hai năm ròng rã thảo luận căng thẳng.

Việt Nam - Hà Lan hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu

Tại ngày làm việc thứ ba trong chuyến tham dự hội nghị Copenhagen về khí hậu, chiều 18-12 theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Hà Lan cử chuyên gia về bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước giúp đỡ Việt Nam vì Việt Nam là một trong số ít nước bị thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thủ tướng Jan Peter Balkenende cho biết Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về đê biển với Việt Nam, đồng thời mong muốn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cử các bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ đến Hà Lan để trao đổi kinh nghiệm cụ thể. Thủ tướng cũng khẳng định Hà Lan sẵn sàng hợp tác trong tất cả lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại với Việt Nam.

Tại Copenhagen, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tiếp Thủ tướng Kuwait Sheikh Nasser Al-Mohammed Al-Ahmed Al-Sabah và Thủ tướng Nepal Madhav Kumar để thảo luận việc thúc đẩy hợp tác song phương.

(Theo trang web của Chính phủ)

LÊ LINH (Theo AP, en.cop15.dk, AFP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm