Hội nghị Copenhagen trước giờ khai mạc

Hội nghị lần này là cơ hội cuối cùng để các nước thông qua một thỏa thuận toàn cầu về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (chủ yếu là CO2) nhằm thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào cuối năm 2012.

Hơn 100 nguyên thủ tham dự

Nước chủ nhà Đan Mạch cho biết đến nay đã có 105 nguyên thủ quốc gia xác nhận sẽ tham dự tập trung vào hai ngày cuối của hội nghị. Trong số đó có nguyên thủ các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật, Ấn.

Chương trình hội nghị tập trung vào hai vấn đề trọng tâm:

- Mức cam kết cắt giảm khí thải của các nước phát triển và các nước đang phát triển.

- Mức cam kết hỗ trợ tài chính và công nghệ của các nước giàu dành cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện nay Trung Quốc là nước có lượng khí thải hằng năm cao nhất thế giới, tiếp theo là Mỹ, Liên minh châu Âu, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nhật.

Hội nghị Copenhagen trước giờ khai mạc ảnh 1

Biểu tình kêu gọi chống biến đổi khí hậu ở London (Anh) ngày 5-12.

Cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đồng nghĩa với cắt giảm tiêu thụ xăng dầu, than và phải tìm nguồn năng lượng thay thế. Điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nên không nước nào muốn thua thiệt.

Hai ngày trước khi hội nghị khai mạc, hàng chục ngàn người đã xuống đường ở London (Anh), Dublin (Cộng hòa Ireland) Brussel (Bỉ), Stockholm (Thụy Điển), Berlin (Đức), Paris (Pháp) kêu gọi các nhà lãnh đạo phải hành động để cứu Trái đất trước hiểm họa biến đổi khí hậu.

Ba nhóm lập trường lớn

Hiện nay có ba nhóm chính đại diện cho ba lập trường tại hội nghị.

- Nhóm Liên minh châu Âu (EU) cam kết đến năm 2020 giảm lượng khí thải xuống ít nhất 20% so với mức năm 1990 và có thể lên 30% nếu các nước lớn khác đưa ra mức cam kết lớn hơn. EU cũng muốn các nước giàu cắt giảm khí thải xuống 80%-95% vào năm 2050 so với mức năm 1990.

- Nhóm các nước phát triển ngoài EU (Mỹ, Canada, Úc, Nhật) chỉ đặt ra mục tiêu cắt giảm tương đối thấp với điều kiện các nước khác cũng cam kết cắt giảm.

Theo Ngân hàng Thế giới, các nước đang phát triển cần 75-100 tỉ USD mỗi năm trong bốn thập niên tới để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà Trắng đã tuyên bố dự chi 10 tỉ USD hằng năm để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Mức cam kết hỗ trợ mỗi năm của EU là 22-40 tỉ USD. Trung Quốc hứa sẽ chi hỗ trợ 1% GDP hằng năm.

Mỹ chỉ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm lượng khí thải xuống 17% so với mức năm 2005. Mỹ cũng không ủng hộ việc đưa ra một hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý như Nghị định thư Kyoto. Nhật cam kết giảm 25% khí thải vào năm 2020 nếu các nước lớn khác đưa ra cam kết tương tự.

- Nhóm các nước đang phát triển (Trung Quốc và nhóm 77 nước) nhấn mạnh các nước giàu phải đưa ra mức cam kết cắt giảm khí thải cao hơn và phải hỗ trợ tài chính cũng như công nghệ cho các nước đang phát triển để đền bù cho lượng khí thải CO2 khổng lồ mà họ đã thải ra trong nhiều thập niên qua.

Trung Quốc cam kết cắt giảm 40%-45% lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP vào năm 2020 so với năm 2005 và đề nghị các nước phát triển phải giảm 40% lượng khí thải vào năm 2020 cũng như cung cấp các công nghệ carbon thấp.

Ấn Độ cũng đưa ra mục tiêu (không mang tính ràng buộc pháp lý) cắt giảm 20%-25% lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP vào năm 2020 so với mức năm 2005.

Với các lập trường rõ ràng như vậy, các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng tại hội nghị lần này, các nước sẽ phải mặc cả gay gắt và thành công lắm cũng chỉ có thể nhất trí về một nền tảng pháp lý để chuẩn bị cho việc xây dựng hiệp ước mang tính ràng buộc vào năm sau.

LÊ LINH (Theo Washington Post, CNN, BBC, Xinhua)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm