Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen: Năm bất đồng lớn

Nhân dịp này, báo Le Monde (Pháp) đã có bài phân tích sau đây:

Nạn phá rừng làm phát sinh mỗi năm 12%-20% khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Mục tiêu giảm 2oC

Tin tốt: Trước hội nghị Copenhagen, các nước gây ô nhiễm lớn (các nước phát triển cũng như các nước mới nổi) đều nêu cam kết tỉ lệ giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tin xấu: Các tỉ lệ đã nêu thấp so với yêu cầu.

Tổ chức liên chính phủ về diễn biến khí hậu (LHQ) đề nghị để giảm nhiệt độ Trái đất 2oC, đến năm 2020 các nước phát triển phải giảm 25%-40% khí thải và đến năm 2050 giảm 80%. Tuy nhiên, đến giờ các nước chỉ chịu giảm 12%-16% tới hạn năm 2020. Chưa chắc trong hội nghị các nước sẽ nêu ra con số mới hứa hẹn hơn.

Cơ chế nào giám sát?

Đối với các cam kết giảm khí thải, Mỹ muốn có một hệ thống chung trên toàn cầu để giám sát cam kết, đặc biệt là giám sát Trung Quốc. Nếu không đạt điều này, Tổng thống Obama khó thuyết phục Quốc hội thông qua dự luật về khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen: Năm bất đồng lớn ảnh 1

Ngày 7-12, Tổ chức phi chính phủ Act!onAid biểu tình bên ngoài trung tâm hội nghị Copenhagen kêu gọi các nước giàu phải trả tiền giảm khí thải.

Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ thành lập một cơ chế giám sát một bên là các nước phát triển và một bên là các nước đang phát triển.

Trong khi đó, với lý do tự nguyện giảm khí thải và không được quốc tế hỗ trợ tiền, các nước mới nổi phản đối mọi hình thức can thiệp và đề nghị các nước công nghiệp hóa thực hiện đúng Nghị định thư Kyoto (có nêu việc thành lập cơ chế giám sát). Tuy nhiên, Nghị định thư Kyoto lại không quy định hình thức phạt nước nào không giữ cam kết.

Đan Mạch (nước chủ nhà hội nghị) đã giao cho Ấn Độ tìm giải pháp thương lượng giữa các bên. Đến giờ vẫn chưa thấy giải pháp nào!

Ai giữ tiền hỗ trợ?

Các nước Bắc bán cầu (gây ô nhiễm nhiều nhất) phải đóng góp giúp các nước nghèo giảm khí thải. Nhưng đóng góp bao nhiêu? Đóng góp dưới hình thức nào?

Ban thư ký của Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu ước tính đến năm 2030 cần thêm 100 tỉ USD mỗi năm. EU nêu có thể đầu tư ngay 5-7 tỉ euro mỗi năm từ nay đến năm 2012. Ngoài ra không có nước nào nêu cam kết sẽ giúp đỡ bao nhiêu.

Đến giờ cũng chưa biết phải quản lý khoản tiền này ra sao. Mỹ muốn giao cho một cơ quan của Ngân hàng Thế giới. EU còn do dự. Các nước nhóm 77 (gồm 130 nước đang phát triển) muốn có một quỹ độc lập trực thuộc LHQ.

Cuối năm ngoái, bất đồng này vẫn không được giải quyết rốt ráo tại hội nghị về khí hậu ở Poznan (Ba Lan).

Tương lai của Nghị định thư Kyoto

Trong Nghị định thư Kyoto năm 1997, các nước Bắc bán cầu cam kết giảm 5% khí thải trong năm 2008-2012. Tuy nhiên, Mỹ không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto và bây giờ không muốn tỉ lệ cắt giảm nào mang tính ràng buộc.

EU nhất trí kết hợp các chỉ tiêu giảm khí thải giữa Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu với Nghị định thư Kyoto. Các nước đang phát triển lại muốn phải duy trì Nghị định thư Kyoto, trong đó có nêu rõ phải có cam kết cụ thể sau mốc năm 2012.

Cứu rừng nhiệt đới

Do nạn phá rừng, mỗi năm có 12%-20% khí CO2 thải ra gây hiệu ứng nhà kính. Các nước đã đồng thuận lập một cơ chế mang tên Giảm khí thải từ phá rừng và suy thoái rừng phụ trách hỗ trợ tài chính cho các nước tích cực chống phá rừng.

Brazil và nhiều nước có rừng như Indonesia, Papua New Guinea, CHDC Congo trong Liên minh rừng nhiệt đới hứa sẽ nỗ lực tương ứng với số tiền hỗ trợ của các nước Bắc bán cầu theo hai cách: Qua viện trợ công hoặc qua thị trường khí carbon rừng (giảm mỗi tấn khí thải CO2 sẽ được cấp một khoản tiền tương ứng).

Hình thức thứ hai đang gây tranh cãi vì các nước có rừng không đồng ý các nước Bắc bán cầu cấp tiền qua cơ chế Giảm khí thải từ phá rừng và suy thoái rừng. Đến nay chỉ mới có một số ít nước (Na Uy, Pháp, Mỹ, Anh) cam kết sẽ chi tiền nhưng số tiền không đủ. Ước tính để giảm phá rừng 25% vào năm 2015 cần tối thiểu 15-25 tỉ euro.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm