Hội nghị thượng đỉnh EU: Lập cơ chế giám sát chặt ngân hàng

Ngày 19-6, hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) đã bế mạc sau hai ngày làm việc. Hội nghị lần này tập trung bàn biện pháp tăng cường giám sát tài chính, xem xét thành lập các cơ chế tài chính đối phó khủng hoảng tài chính.

Theo tuyên bố chung của hội nghị, các đại biểu thống nhất trên nguyên tắc thành lập Hệ thống giám sát tài chính EU gồm ba tổ chức quy tụ các chuyên gia kinh tế có nhiệm vụ giám sát, đề ra tiêu chuẩn cho chính phủ các nước thành viên dựa vào mà giám sát các ngân hàng, tập đoàn bảo hiểm và thị trường tài chính trong nước.

Hội nghị cũng thống nhất thành lập Hội đồng Hệ thống rủi ro châu Âu với sự tham gia của Ngân hàng Trung ương châu Âu và ngân hàng trung ương 27 nước thành viên.

Hội đồng Hệ thống rủi ro châu Âu có nhiệm vụ cảnh báo các yếu tố rủi ro, đe dọa sự ổn định tài chính trong khối, chẳng hạn việc xuất hiện làn sóng nợ xấu làm mất cân đối lượng tiền mặt của các ngân hàng, tìm kiếm sự ổn định cho hệ thống ngân hàng các nước thành viên.

Thỏa thuận thành lập các tổ chức này lúc đầu gặp phải sự phản đối của Anh. Anh lo ngại Hệ thống giám sát tài chính EU sẽ can thiệp thô bạo và làm giảm quyền lực hệ thống giám sát, điều chỉnh tài chính các nước thành viên EU.

Anh phản đối việc Ngân hàng Trung ương châu Âu vốn chỉ chi phối tài chính ở 16 nước dùng chung đồng euro tham gia vào Hội đồng Hệ thống rủi ro châu Âu.

Anh cũng phản đối đề cử thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet người Pháp làm chủ tịch Hội đồng Hệ thống rủi ro châu Âu vì lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến nền tài chính Anh, nước không sử dụng đồng euro.

Hội nghị đã phải bảo đảm Ngân hàng Trung ương châu Âu không can thiệp sâu vào việc giám sát, điều chỉnh tài chính của từng nước. Chẳng hạn không có quyền yêu cầu chính phủ các nước chi gói cứu trợ khẩn cấp các ngân hàng thua lỗ.

Hội nghị cũng rút lại đề cử thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu cho vị trí chủ tịch Hội đồng Hệ thống rủi ro châu Âu mà sẽ tổ chức bầu chọn giữa 27 thống đốc ngân hàng các nước thành viên.

Dự kiến kế hoạch thành lập các tổ chức giám sát tài chính này sẽ được thông qua chi tiết vào cuối năm nay và đi vào hoạt động vào năm tới. Lãnh đạo các nước EU hy vọng các biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính lặp lại lần nữa.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho hội nghị về biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới, hội nghị thống nhất các nước phải đóng góp tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các nước EU đồng ý vào năm 2020 sẽ giảm mức khí thải xuống 20% so với năm 1990.

Về nhân sự, hội nghị đã nhất trí tái bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso vào nhiệm kỳ tiếp theo.

HỒNG CẨM (Theo Reuters, AFP, BBC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm