Hội thảo an ninh hàng hải ở biển Đông: Rắc rối xuất phát từ phía Trung Quốc

Ngày 21-6, hội thảo An ninh hàng hải ở biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế của Mỹ tổ chức tại Washington, D.C. (Mỹ) tiếp tục ngày làm việc thứ hai và là ngày cuối.

Theo TTXVN, trong phiên thảo luận thứ nhất trong ngày với chủ đề Đánh giá tính hiệu quả của các cơ chế và cơ cấu an ninh hàng hải ở biển Đông, TS Peter Dutton đến từ ĐH Hải quân Mỹ nhắc lại hai cơ chế hiện hành để giải quyết tranh chấp giữa các nước ở biển Đông là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Ông chỉ rõ: “Công ước LHQ về Luật Biển nêu rõ rằng tuyên bố về quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường chữ U, hay đường chín khúc, mà không đề cập dù là gián tiếp đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là vi phạm căn bản luật quốc tế”.

TS Peter Dutton đã đề nghị các bên đều phải có nhượng bộ về chính trị, nếu không sẽ dẫn đến việc nước mạnh hơn sẽ làm những gì có thể làm và nước nhỏ làm điều phải làm. GS Stein Tonnesson (Viện Hòa bình Mỹ) đã phát biểu nhất trí với quan điểm này của TS Peter Dutton.

Hội thảo an ninh hàng hải ở biển Đông: Rắc rối xuất phát từ phía Trung Quốc ảnh 1

Các chiến sĩ hải quân Việt Nam tuần tra trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: QUỲNH TRANG

Trong phiên thảo luận thứ hai với chủ đề Đề xuất những chính sách nhằm tăng cường an ninh trong khu vực, TS Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, đề nghị cần thúc đẩy hợp tác về biển và quân sự dưới hình thức tuần tra chung, diễn tập chung với sự tham gia của Trung Quốc, ASEAN và các nước có liên quan, đồng thời các bên cần công khai, minh bạch, giảm mua sắm vũ khí và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin.

Ngày 21-6, đài phát thanh RFA (Mỹ) cho biết trong phiên thảo luận về chủ đề Quyền lợi và vị trí của các bên ở biển Đông hôm trước đó, ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc chính trị và an ninh Ban Thư ký ASEAN, đã đề nghị những gì nên làm trước tiên là có thể đổi tên gọi quốc tế của biển Đông thành biển Hữu nghị hoặc biển Hòa bình.

Ông nhận định vấn đề rắc rối xuất phát từ phía Trung Quốc khi Trung Quốc cứ khăng khăng tuyên bố toàn bộ vùng biển Đông thuộc về Trung Quốc. Vì vậy, sử dụng một tên gọi không bao hàm quyền sở hữu của Trung Quốc sẽ là khúc dạo đầu cho đàm phán sau này.

Theo đài truyền hình ABS-CBN News (Philippines) ngày 22-6, hôm trước đó Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đã lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain tại hội thảo an ninh hàng hải ở biển Đông rằng Mỹ nên giúp các nước Đông Nam Á giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Cùng ngày, người phát ngôn Tổng thống Philippines Edwin Lacierda tuyên bố Philippines trân trọng bất kỳ lời kêu gọi nào về ổn định, hòa bình và giải pháp hòa bình trong khu vực. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã nhắc lại lời kêu gọi tất cả các nước tuyên bố chủ quyền nên tuân thủ luật pháp quốc tế.

KHÁNH UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm