Hong Kong: Trung Quốc nói không ngồi yên nếu Mỹ can thiệp

Hôm 8-9, hàng ngàn người biểu tình đã tập trung trước lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong nhằm kêu gọi sự ủng hộ của Washington. Nhiều người trong đám đông đã vẫy cờ và hát quốc ca Mỹ trước vòng vây của cảnh sát. Tuy vậy, đợt tuần hành ôn hòa nhanh chóng diễn biến thành bạo động khi một số thành phần quá khích đạp rào chắn, đập cửa kính nhà ga tàu điện, đốt lửa ở các khu vực xung quanh và ném đá vào cảnh sát. Lực lượng trị an phải dùng hơi cay và tiến hành nhiều vụ bắt giữ để giải tán đám đông hỗn loạn.

Người biểu tình muốn gì ở Mỹ?

Trả lời phỏng vấn của tờ South China Morning Post, một sinh viên 22 tuổi giấu tên cho biết người biểu tình đang kêu gọi chính phủ Mỹ thông qua dự luật Dân chủ - Quyền con người Hong Kong.

Được biết nội dung dự luật về Dân chủ - Quyền con người Hong Kong yêu cầu chính quyền Washington phải tổ chức đánh giá mức độ tự chủ của Hong Kong định kỳ mỗi năm. Kết quả này sau đó sẽ được dùng để xem xét liệu có nên tiếp tục duy trì cơ chế thương mại đặc biệt căn cứ theo đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong 1992 hay không. Nếu dự luật này được thông qua thành công, chiến lược mà chính quyền Bắc Kinh áp dụng với Hong Kong sẽ bị thiệt hại nặng nề vì đầu tư, nhất là đầu tư từ Mỹ, vào đặc khu lẫn đại lục sẽ sụt giảm nghiêm trọng một khi mất đi cơ chế thương mại đặc biệt.

“Chúng tôi tin tưởng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bàn về dự luật như dự định và tôi chắc chắn họ đang theo dõi những gì diễn ra tại Hong Kong hôm nay. Với dự luật này, chúng tôi có cơ hội để gây áp lực với chính quyền đương nhiệm và bảo vệ quyền lợi của chúng tôi” - một người biểu tình tên Kevin nói. Cũng giống như phần đông thành viên phe phản đối, ông Kevin không hài lòng với quyết định rút dự luật dẫn độ của Trưởng đặc khu Carrie Lam khi người dân Hong Kong vẫn chưa thể tự chọn lãnh đạo thông qua bầu cử công khai.

Ông Kenneth Ka-Lok Chan, PGS ĐH Baptist (Hong Kong), nhận định động thái bất ngờ của người biểu tình Hong Kong cho thấy phong trào này đang lo sợ chính quyền Hong Kong và đại lục sẽ tăng cường các biện pháp đáp trả khi Quốc khánh 70 năm của Trung Quốc (TQ) vào ngày 1-10 đang đến gần. “Sự kêu gọi này cũng có ý nghĩa rất quan trọng vì hiện tại quan hệ Mỹ - Hong Kong chỉ dừng ở hợp tác thương mại và kinh tế. Một hiệp ước trong đó đi kèm một phần riêng đề cập đến các giá trị khác (mà người biểu tình đang theo đuổi) sẽ là một cam kết rõ ràng cho sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ đối với cuộc đấu tranh ở đây” - Kenneth Ka-Lok Chan nói.

Cảnh sát Hong Kong làm nhiệm vụ trong đợt biểu tình ngày 8-9. Ảnh: SCMP

Lập trường của Mỹ về Hong Kong

Tối 8-9, một phát ngôn viên của lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong xác nhận đã nhận được thư thỉnh cầu. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết sẽ không đưa ra bình luận nào vào lúc này.

Ba ngày trước đó, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, thượng nghị sĩ Chuck Schumer cam kết vấn đề Hong Kong sẽ được ưu tiên hàng đầu ngay khi Quốc hội hoạt động lại sau kỳ nghỉ hè. Ông kêu gọi các thành viên đảng Cộng hòa cùng nhau thông qua dự luật Hong Kong cũng như yêu cầu ông Trump có “những động thái cứng rắn hơn” trong trường hợp TQ đưa quân can thiệp.

Được biết kể từ khi biểu tình bùng nổ ở Hong Kong vào tháng 6-2019, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng tỏ ý không muốn can thiệp vào vấn đề mà ông cho rằng là “công việc nội bộ” của TQ. Theo tiết lộ của tờ The Wall Street Journal, chính quyền ông Trump đã có lệnh yêu cầu các quan chức phải duy trì một phản ứng “có chừng mực” đối với phong trào biểu tình ở Hong Kong do lo ngại bất kỳ tuyên bố công khai nào ủng hộ người biểu tình sẽ phá hỏng nỗ lực đàm phán thương mại với TQ.

Hồi tháng 8-2019, ông Trump từng bày tỏ hy vọng khủng hoảng ở Hong Kong sẽ qua đi và đem lại kết quả tốt đẹp “cho mọi người, bao gồm cả chính quyền đại lục”. Ông cũng nhấn mạnh đây là một cuộc “bạo loạn” mà người TQ cần phải tự giải quyết lấy.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế Hong Kong từ mức AA+ xuống còn AA và hạ triển vọng của thành phố này từ “ổn định” thành “tiêu cực”. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995 Hong Kong bị Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm. 

TQ tiếp tục cứng rắn

Đáp trả hành động kêu gọi Mỹ của người biểu tình, phát ngôn viên chính quyền đặc khu một lần nữa nhắc lại không có nước nào được phép can thiệp công việc nội bộ của Hong Kong. Theo người phát ngôn này, kể từ khi được trao trả cho TQ, Hong Kong luôn nghiêm túc xử lý các vấn đề của đặc khu theo nguyên tắc “Một quốc gia - hai chế độ” và Luật Cơ bản, đảm bảo các vấn đề nhân quyền và tự do theo đúng pháp luật.

Hôm 9-9, tờ China Daily khẳng định: “Hong Kong là một phần không thể tách rời của TQ và đó là điểm mấu chốt không ai nên thách thức, không phải người biểu tình, không phải lực lượng nước ngoài với những thủ đoạn bẩn thỉu… Các cuộc biểu tình ở Hong Kong không phải về các quyền hay dân chủ. Chúng là kết quả từ sự can thiệp của các thế lực nước ngoài. Để không hiểu lầm sự kiềm chế của chính quyền trung ương là sự yếu kém, cần nói rõ rằng bất kỳ hình thức ly khai nào cũng sẽ bị tiêu diệt”.

Theo hãng tin Reuters, lãnh đạo TQ lâu nay đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các thế lực nước ngoài đang có ý đồ làm tổn thương Bắc Kinh bằng cách nhúng tay châm ngòi cho sự hỗn loạn tại Hong Kong thông qua biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về đại lục.

Hoàng Chi Phong được thả, được đến Đức, Mỹ

Ngày 9-9, tại Hong Kong, Hoàng Chi Phong được thả nhờ bảo lãnh và được tự do ra nước ngoài sau khi tòa án thừa nhận chuyện nhân vật này bị bắt giữ một ngày xuất phát từ một sai sót hành chính. Hoàng Chi Phong cũng bị cấm rời Hong Kong, trừ hai chuyến đi đến Đức và Mỹ đã được sắp xếp trước đó sẽ diễn ra vào tháng 9. Thẩm phán đã đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm đi lại cho Hoàng Chi Phong vào ngày 8-9 để nhân vật này thực hiện hai chuyến đi đến Đức và Mỹ. Nhân vật này bị bắt tại sân bay quốc tế Hong Kong sáng 8-9 với lý do vi phạm các điều kiện tại ngoại mà nhân vật này phải chịu sau khi bị truy tố liên quan đến một cuộc biểu tình chống chính quyền ngày 21-6. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm