Huawei lần đầu soán ngôi Samsung, chủ yếu nhờ 'sân nhà'

Đài CNBC dẫn một báo cáo mới của hãng nghiên cứu Canalys cho biết phần lớn doanh số trong quý II của Huawei đến từ Trung Quốc, do hoạt động kinh doanh quốc tế của hãng này chịu ảnh hưởng lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo Canalys, Huawei đã bán ra 55,8 triệu thiết bị, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Samsung rớt xuống vị trí thứ hai với số lượng xuất xưởng là 53,7 triệu chiếc, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên Huawei giành được vị trí hàng đầu trong một quý, một tham vọng mà tập đoàn có trụ sở chính tại Thâm Quyến này đã đặt ra trong nhiều năm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ về tính bền vững của thành quả này, khi trong thực tế các thị trường của Huawei bên ngoài Trung Quốc chịu tác động của lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt đối với công ty này.

Một cửa hàng của Huawei ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Huawei đã bán ra hơn 70% điện thoại thông minh của mình tại Trung Quốc đại lục trong quý II. Trong khi đó, các lô hàng điện thoại thông minh tại các thị trường quốc tế trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở châu Âu, một khu vực quan trọng của Huawei, thị phần điện thoại thông minh của công ty này đã giảm mạnh, xuống còn 16% trong quý II so với 22% trong cùng kỳ năm 2019, theo hãng nghiên cứu Counterpoint Research. Công ty Trung Quốc là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba ở châu Âu sau Samsung và Apple, cho thấy vị trí toàn cầu của Huawei trong quý II được xây dựng dựa trên nỗ lực mở rộng thị phần tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

“Huawei sẽ khó có thể duy trì vị trí dẫn đầu trong dài hạn” - chuyên gia phân tích Mo Jia của Canalys nói trong một thông cáo báo chí. Theo ông, các đối tác chính của Huawei ở những khu vực quan trọng như châu Âu ngày càng cảnh giác với các thiết bị của Huawei, sử dụng ít model hơn và giới thiệu các thương hiệu mới nhằm giảm thiểu rủi ro”.

“Thế mạnh ở Trung Quốc sẽ không đủ để duy trì Huawei ở vị trí hàng đầu một khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi”, chuyên gia trên nói thêm.

Năm ngoái, Huawei đã bị đưa vào danh sách đen hạn chế tiếp cận công nghệ Mỹ. Điều đó có nghĩa là Huawei không thể sử dụng Google Android được cấp phép trên các thiết bị hàng đầu mới nhất của mình.

Ở Trung Quốc, nơi các dịch vụ của Google như Gmail hoặc công cụ tìm kiếm của hãng này bị chặn, đó không phải là vấn đề lớn vì người tiêu dùng Trung Quốc không quen sử dụng các sản phẩm đó. Tuy nhiên, tại các thị trường quốc tế, không có Google là một thiệt thòi.

Đó là một lý do tại sao các đối thủ của Huawei, vốn vẫn có thể sử dụng Android trên thiết bị của họ, đã tăng thị phần. Ví dụ, tại châu Âu, công ty Trung Quốc Xiaomi đã chứng kiến thị phần của mình tăng từ 6% trong quý II năm 2019 lên 13% trong quý II năm nay, theo Counterpoint Research.

Huawei đã buộc phải tung ra hệ điều hành của riêng mình có tên HarmonyOS vào năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà phân tích trước đó đã bày tỏ nghi ngờ về sự thành công của nó trên thị trường quốc tế, do thực tế là nó thiếu các ứng dụng chính từ App Store.

Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong năm nay từ Washington. Một quy định mới được đưa ra hồi tháng 5 yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được cấp phép trước khi có thể bán thiết bị bán dẫn cho Huawei.

Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng Huawei mua chip cho các sản phẩm điện thoại thông minh của họ. Dù Huawei thiết kế bộ vi xử lý của riêng mình, chúng lại được sản xuất bởi công ty TSMC của Đài Loan, vốn có thể bị ảnh hưởng bởi quy định nói trên của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm