IHS Janes: 'Việt Nam có hệ thống phòng thủ hiện đại nhất ASEAN'

Hãng tin CNBC mới đây có bài xã luận nhận định Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan đang tăng cường sức mạnh quân sự để đối mặt với sự gia tăng áp lực và xâm nhập trái pháp luật ngày càng rõ ràng của Trung Quốc tại khu vực. Ví dụ, chỉ cần nhìn vào Indonesia sẽ thấy nước này đang có hợp đồng mua 20 tàu chiến từ Hà Lan để tăng cường sức mạnh hải quân.
Tuy nhiên, theo CNBC, hầu hết chi tiêu cho vũ khí quân sự của các nước này không phải với các đối tác sản xuất từ Mỹ.

Trung Quốc trong những năm gần đây đã liên tục tăng cường các tuyên bố chủ quyền với mức độ, cường độ và phạm vi ngày càng tăng tại khu vực biển Đông, thậm chí tại các vùng biển và vùng trời cách rất xa so với vùng lãnh thổ của nước này.

Điều này khiến các quốc gia khác trong khu vực chấp nhận chi nhiều tiền hơn để mua sắm vũ khí và dự báo chi tiêu trong lĩnh vực khí tài sẽ còn tăng thêm. Báo cáo của IHS Janes mới đây cho thấy hầu như tất cả các quốc gia đề có xu hướng tăng chi tiêu vũ khí. Điển hình như Indonesia dự kiến sẽ tăng 61% chi tiêu từ nay cho đến thời điểm 2021; trong khi Philippines sẽ tăng gấp đôi.

Một tàu hải quân Indonesia (Ảnh:CNBC)

Tuy nhiên cho đến hiện nay, hầu hết lương tiền mua vũ khí không phải vào Mỹ. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, giai đoạn 2012-2013, việc xuất khẩu vũ khí sang hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều có xu hướng giảm.

Gregory Polling, đồng chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, cho biết mặc dù việc suy giảm xuất khẩu nói trên không phản ánh được tổng chi tiêu, tuy nhiên nhìn chung các nước trong khu vực đều muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí của quốc gia.

“Mỹ là nhà cung cấp lớn nhất thế giới về hệ thống an ninh, tuy nhiên tất cả các đối tác của Mỹ đều biết rằng họ cần phải tìm kiếm các đối tác khác ngoài Mỹ”, Polling nói.
Hãy thử lấy Việt Nam là ví dụ. Quốc gia này có hệ thống phòng thủ hiện đại nhất so với các quốc gia còn lại thuộc khối ASEAN, tuy nhiên có đến 72% vũ trí trang bị được nhập khẩu từ Nga nếu tính theo lượng hợp đồng được ký kết từ năm 2010 đến nay.
Chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao Ben Moores của HIS Janes cho rằng Việt Nam hiện đang đi đầu tại ASEAN vì đã có căng thẳng lâu dài với Trung Quốc tại biển Đông. Trong khi với các nước khác, việc đuổi theo Trung Quốc hiện nay đã quá muộn.
Ben Moores nói thêm rằng “Các nhà cung cấp khí tài lớn khác cho các quốc gia khu vực biển Đông bao gồm Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản và Brazil”. Vị này cũng chỉ ra vài ví dụ điển hình gần đây cho thấy các nước chọn đối tác mua vũ khí không phải là Mỹ: Philippines mua các máy bay phản lực huấn luyện FA-50 từ Hàn Quốc, Việt Nam mua sáu tàu ngầm lớp kilo và 12 tàu chiến của Nga, còn Indonesia đã mua 20 tàu chiến từ Hà Lan.
Theo IHS Janes, Philippines – có thể là quốc gia đang chịu sự đe dọa trực tiếp nhiều nhất từ phía Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ - dường như đang chi tiêu nhiều hơn cho vũ khí hải quân, với mức chi tiêu quốc phòng thường niên tăng từ 273 triệu USD hiện nay lên mức 500 triệu USD năm 2021.
Duncan Innes-Ker, chuyên gia về an ninh ở châu Á, nhận định “Quân đội Philippines vẫn còn yếu trong suốt một thời gian dài”. Vị này nói thêm “Hải quân Philippines đã không được đầu tư. Ngay cả khi đầu tư mạnh hơn nữa thì Philippines vẫn không bao giờ tạo ra được lực lượng có thể khiến Trung Quốc phải quan ngại”.
Có thể chắc chắn rằng, Mỹ vẫn tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho các nước, bao gồm các quốc gia thuộc khu vực biển Đông. Trong đó, Mỹ là nhà cung cấp lớn của ba quốc gia giai đoạn 2010-2014: Philippines (30% giá trị các hợp đồng), Singapore (40%) và Đài Loan (90%). Trong khi đó, với Indonesia và Malaysia, các hợp đồng của Mỹ chỉ chiếm 9,7% và 3,3%.
Polling nói rằng Hoa Kỳ đóng góp cho khu vực bằng nhiều cách khác mà không được lưu trữ trong dữ liệu của Bộ Quốc phòng. Chẳng hạn như Mỹ giúp Philippines tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự. “Mỹ đã cam kết giúp các đối tác gia tăng năng lực quốc phòng, bao gồm mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự, xây dựng sân bay, đường băng, hỗ trợ tăng cường khả năng hải quân và không quân cũng như khả năng tiếp nhiên liệu, và cơ sở hạ tầng khác”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm