Iran đàm phán, Ấn Độ vớ bẫm

Thỏa thuận khung về hạt nhân Iran đạt được hôm 2-4 giữa Iran và nhóm sáu cường quốc P5+1 (năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) sau 18 tháng đàm phán sẽ giúp Ấn Độ cơ hội mới để tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với quốc gia Tây Á giàu tài nguyên Iran và một số nước khác.

Do lệnh cấm vận, Mỹ và EU đã phong tỏa mọi kênh tài chính của Iran.

Thế đối đầu kéo dài của Iran với phương Tây đã gây bất lợi cho Ấn Độ bởi lẽ Iran là nhà cung cấp dầu thô truyền thống lớn thứ hai của Ấn Độ cho đến năm 2006 và đứng thứ bảy trong năm 2013-2014. Một khi lệnh cấm vận còn hiệu lực, Ấn Độ sẽ phải tiếp tục cắt giảm mua dầu thô Iran. Công tác thanh toán thương mại giữa hai nước cũng gặp nhiều khó khăn. Để trả tiền dầu cho Iran, Ấn Độ phải mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng trung gian ở Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Tạp chí The Economic Times (Ấn Độ) nhận định thỏa thuận khung về hạt nhân Iran mới đạt được sẽ giúp Ấn Độ gia tăng nhập khẩu dầu từ Iran và mở đường cho hai bên thanh toán thương mại dễ dàng hơn.

Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif công bố đạt được thỏa thuận khung ở Lausanne (Thụy Sĩ) ngày 2-4. Ảnh: GETTY IMAGES

Sau khi thỏa thuận khung được công bố hôm 2-4, hai công ty năng lượng Ấn Độ là Essar Oil và Công ty Lọc và Hóa dầu Mangalore đã lên kế hoạch nhập khẩu trở lại dầu thô Iran trong tháng này. Tạp chí The Diplomat (Nhật) nhận định thỏa thuận khung về hạt nhân Iran đạt được vào thời điểm khá quan trọng liên quan đến tình hình Afghanistan. Quân đội Mỹ chuẩn bị rút hẳn khỏi Afghanistan. Ấn Độ và Iran cũng muốn tăng cường quan hệ với Afghanistan.

Cuối cùng, thỏa thuận khung về hạt nhân Iran đã tạo động lực cần thiết cho Ấn Độ và Iran hoàn tất dự án hợp tác phát triển cảng nước sâu Chabahar ở Iran.

Theo giới quan sát quốc tế, cảng nước sâu Chabahar với vị trí chiến lược sẽ trở thành điểm trung chuyển quan trọng cho giao dịch thương mại giữa Ấn Độ, Iran và Afghanistan, đồng thời còn kết nối đến Trung Á và châu Âu qua hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam.

Ước tính hành lang này ngắn hơn 40% và giảm chi phí 30% so với giao dịch qua các tuyến đường biển Đỏ - kênh đào Suez - Địa Trung Hải. Với cảng nước sâu Chabahar, Ấn Độ dễ dàng tiếp cận thị trường Afghanistan mà không cần đi qua Pakistan (vốn không thân thiện với Ấn Độ).

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang xây dựng một tuyến đường dài 200 km nối Zaranj (Iran) với Delaram (Afghanistan).

Báo The Hindu (Ấn Độ) nhận định tuy Ấn Độ tỏ ra khá thận trọng về triển vọng đạt được thỏa thuận cuối cùng về hạt nhân Iran vào hạn chót 30-6 tới nhưng Ấn Độ tin rằng nếu thỏa thuận cuối cùng này hoàn tất, Ấn Độ sẽ hưởng lợi được rất nhiều.

Giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rohani đã bày tỏ lo ngại về khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng về hạt nhân Iran vào hạn chót 30-6. Ngày 9-4, giáo chủ Khamenei tuyên bố: “Đến giờ này không có gì bảo đảm cho chính thỏa thuận, nội dung thỏa thuận cũng như bảo đảm các nhà thương lượng sẽ đi đến cùng. Ông nhận xét không thể hy sinh ngành hạt nhân Iran và khẳng định lần nữa Iran không tìm kiếm phát triển bom hạt nhân. Tổng thống Hassan Rohani khẳng định: “Chúng tôi không ký bất kỳ thỏa thuận nào nếu cấm vận kinh tế không hủy bỏ hoàn toàn vào ngày thực thi thỏa thuận”. Hiện thời nhóm P5+1 chỉ muốn dỡ bỏ cấm vận từ từ để chờ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cung cấp kết quả thanh sát các cơ sở hạt nhân Iran.

TNL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm