IS trỗi dậy gõ cửa Đông Nam Á?

Indonesia trong liên tục hai ngày rung động bởi các cuộc khủng bố ở ba nhà thờ và một trụ sở cảnh sát tại Surabaya. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Bùi Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ (CNAS), ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định chưa có đủ cơ sở để cho rằng lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang trỗi dậy trở lại.

Nguồn căn của khủng bố liên hoàn

. Phóng viên: Thưa ông, còn nhớ đầu năm 2016 IS đã thực hiện một số vụ đánh bom và nổ súng ở trung tâm thủ đô Jakarta khiến ít nhất bảy người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Từ đó IS trở nên “yên tĩnh”. Phải chăng bây giờ là lúc IS trỗi dậy trở lại ?

+ TS Bùi Hải Đăng: Trên thực tế, IS có chủ trương tiến hành các hoạt động khủng bố quy mô toàn cầu. Và kể từ thời điểm chính thức tuyên bố đặt thủ phủ IS ở Ar-Raqqah (Syria) vào tháng 6-2014, IS mỗi năm đều thực hiện các vụ tấn công khủng bố rải rác ở khắp các địa bàn châu Âu, châu Á và châu Mỹ, cho đến gần đây nhất là vụ nổ súng ở nhà thời Kizlyar (Nga) vào tháng 2-2018 và vụ bắt cóc con tin ở Trèbes (Pháp) một tháng sau đó. Dù vậy các vụ tấn công khủng bố của IS gần đây ở Pháp và Indonesia chưa đủ để gọi là “sự trỗi dậy trở lại” của IS, vì hai lý do. 

IS chủ trương tiến hành khủng bố luân phiên nhằm truyền tải các thông điệp chính trị, gieo rắc sự sợ hãi thường trực lên dư luận, đồng thời phô trương thanh thế vì mục đích tuyên truyền. Thế nên “sự yên tĩnh” của IS thời gian qua chỉ đơn giản vì tổ chức này đang trong chu kỳ tính toán các kế hoạch tấn công mới chứ không phải sự trỗi dậy bất thường nào cả. Khi các chi nhánh của IS ở khắp nơi trên thế giới vẫn chưa bị tiêu diệt thì các chủ trương tiến hành khủng bố luân phiên vẫn được đặt ra như một ưu tiên hàng đầu để duy trì sự sống còn của các chi nhánh này.

Ngoài ra, do trụ sở chính của IS tại Syria bị các lực lượng liên minh do Nga đứng đầu tấn công gây thiệt hại nặng. Thậm chí tuyên bố IS đã bị đánh bại tại Syria vào tháng 3-2018 nên các chi nhánh của IS ở khắp thế giới được bổ sung lực lượng tàn dư tại Syria quay về để lánh nạn. Đây là lý do chính khiến các lực lượng IS địa phương có thêm cơ sở và lực lượng để tiến hành các vụ khủng bố vừa qua.

. Các cuộc tấn công khủng bố gần đây của IS có liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) và chiến tranh Syria hay không, thưa ông?

+ Đây là một câu hỏi rất thú vị. Mặc dù có sự giáp ranh về biên giới nhưng hai vấn đề này có bản chất rất khác nhau. Về lý thuyết, việc Mỹ rút khỏi JCPOA không đồng nghĩa với việc thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy, do tất cả các bên còn lại vẫn cam kết tuân thủ thỏa thuận này. Bản chất vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran lại ít có ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng IS, vì vũ khí hạt nhân được xem là công cụ để chính phủ Iran duy trì chính sách răn đe chiến lược trong đàm phán với Mỹ và các nước châu Âu. Trong khi đó, vấn đề nội chiến đan xen với cuộc chiến chống khủng bố ở Syria thì trực tiếp ảnh hưởng đến IS và gián tiếp tạo cơ sở cho các vụ tấn công liên tiếp vừa rồi như đã phân tích ở phần trên.

Một cảnh sát hộ tống một học sinh qua trụ sở lữ đoàn cảnh sát cơ động (Brimob) ở Depok, phía Nam Jakarta, Indonesia. Ảnh: REUTERS

Đông Nam Á sẽ căng thẳng vì khủng bố?

. Tại sao lần này IS lại chọn Indonesia để tổ chức khủng bố mà không phải một quốc gia châu Âu hay châu Mỹ nào khác như một vài năm gần đây?

+ Ở đây chúng ta cần phân biệt sự khác biệt giữa lập trường của IS ở Syria và các tổ chức khủng bố địa phương thân với IS ở Indonesia, cụ thể là nhóm Jemaah Ansharut Daulah (JAD). Đồng thời cần tách biệt giữa cộng đồng hồi giáo ở Đông Nam Á với các tổ chức khủng bố địa phương thân với IS ở Indonesia. 

Vụ tấn công bằng dao ở Paris (Pháp) ngày 12-5 được cho rằng gần với tuyên bố đáp trả các quốc gia đồng minh đã tấn công IS ở Syria. Trong khi đó mục tiêu của vụ khủng bố vào các nhà thờ Thiên chúa giáo ở Surabaya là gây áp lực buộc chính phủ Indonesia trao trả thủ lĩnh Aman Abdurrahman của nhóm JAD, người đã bị bắt giữ vì chủ mưu các vụ đánh bom ở Jakarta những năm gần đây.

Mặc dù đều được thực hiện bởi các lực lượng có liên hệ với trụ sở chính của tổ chức IS tại Syria nhưng các hoạt động khủng bố thực hiện bởi các cá nhân cực đoan đơn lẻ ở Pháp có mục tiêu và quy mô khác biệt rất nhiều so với những vụ tấn công do JAD thực hiện ở Indonesia. Với chủ trương muốn thiết lập một đế chế Hồi giáo riêng ở khu vực Đông Nam Á, nhóm JAD dường như chỉ tận dụng sự tương đồng về tôn giáo với IS để nhận được các nguồn viện trợ. Và từ lâu các phong trào ly khai như JAD vẫn tồn tại ở nhiều khu vực có kinh tế kém phát triển trên quốc gia vạn đảo Indonesia, đây là nền tảng rất thuận lợi cho khả năng mở rộng mạng lưới liên kết của IS. Ngoài ra, ở các nước châu Âu, sau một số vụ khủng bố (nhất là ở Pháp tháng 11-2015), việc kiểm soát an ninh được coi trọng nên các vụ khủng bố khó có thể diễn ra.

Sự kiện đánh bom ở Surabaya diễn ra ngay sau khi JAD thực hiện tấn công thất bại ngày 11-5 vào nhà tù giam giữ thủ lĩnh của tổ chức này càng cho thấy JAD đang lợi dụng vỏ bọc của IS nhiều hơn là IS chi phối JAD. Việc IS nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Surabaya cho thấy tổ chức này đang muốn tận dụng mọi sự kiện để dựng lại danh tiếng sau những thất bại thảm hại tại Syria.

.  Liệu thế lực của IS trong bối cảnh hiện tại có lan tỏa nhanh ở Đông Nam Á?

+ Các hoạt động cực đoan tôn giáo ở Đông Nam Á thường được tiến hành bởi các nhóm có chủ trương ly khai và các nhóm này lợi dụng vỏ bọc cùng sự tài trợ hơn là chịu sự chi phối của IS. Do đó, số đông cộng đồng Hồi giáo ở Đông Nam Á với chủ trương ôn hòa, nếu không có quan hệ với các nhóm ly khai sẽ không tham gia vào các hoạt động này nên sự lan tỏa của IS vì thế chỉ giới hạn trong phạm vi ảnh hưởng của các nhóm ly khai ở bản xứ mà thôi. Chúng ta không nên chỉ vì một thiểu số cực đoan mà đánh đồng số đông.

Sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ các chính phủ đối với đời sống của các cộng đồng tôn giáo ở các nước Đông Nam Á sẽ hạn chế hiệu quả các ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Đây là chính sách nhất quán và được từng nước nói riêng và cả Cộng đồng ASEAN nói chung thực hiện rất tích cực.

Ở Việt Nam chưa có ghi nhận nào về đe dọa của IS, vì ba lý do: (i) Việt Nam cũng không tham gia vào các hoạt động nào ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của IS trên thế giới; (ii) Việt Nam luôn ưu tiên dàn xếp các mâu thuẫn theo hướng tôn trọng lợi ích cho các cộng đồng tôn giáo nên không tạo ra dư địa cho các tổ chức cực đoan lan tỏa ảnh hưởng tiêu cực và (iii) Công tác đảm bảo an ninh của Việt Nam khá tốt.

Bên cạnh đó, với chính sách tôn trọng và khoan dung đối với tự do và bình đẳng về tôn giáo của chính phủ Việt Nam, đời sống tinh thần của cộng đồng Hồi giáo hơn 72.000 người luôn nhận được quan tâm. Chính sách này đã giúp hạn chế rất lớn các ảnh hưởng tiêu cực từ các nhân tố cực đoan đang du nhập vào Đông Nam Á nói chung. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm