Israel – Palestine: Đàm phán hòa bình trong một năm

Ngày 2-9 theo giờ địa phương, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ ngồi vào bàn đàm phán hòa bình trực tiếp tại Washington dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Mỹ sẽ cố gắng thuyết phục hai bên xác lập một lịch trình đàm phán cụ thể trong tương lai và giải quyết các vấn đề tồn tại hàng chục năm nay về biên giới Israel, quyền qua lại Israel của người Palestine, vị thế chính thức của Đông Jerusalem...

Mỹ tuyên bố ủng hộ đề nghị của Thủ tướng Netanyahu rằng mỗi hai tuần ông và Tổng thống Abbas sẽ gặp nhau một lần trong suốt quá trình đàm phán cho đến chừng nào đạt được thỏa thuận.

Mục tiêu của Mỹ là thúc giục hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình trong vòng một năm. Tuy nhiên, cuộc đàm phán lần này vẫn còn nhiều bất đồng. Tổng thống Abbas đánh tiếng sẽ ngưng đàm phán ngay nếu Thủ tướng Netanyahu không gia hạn lệnh ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái ở bờ Tây. Lệnh ngưng xây dựng kéo dài 10 tháng qua và sẽ hết hạn vào ngày 26-9 tới.

Israel – Palestine: Đàm phán hòa bình trong một năm ảnh 1

Biếm họa của Patrick Chappatte đăng trên tạp chí Mỹ WORLD AFFAIRS. Chữ trong ảnh: START = Điểm bắt đầu.

Ngày 31-8, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ yêu cầu Thủ tướng Netanyahu cho ý kiến về vấn đề này nhưng Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa thể hiện thiện chí sẽ gia hạn. Đặc phái viên Trung Đông của Mỹ George Mitchell đã phải kêu gọi hai bên không để vấn đề này ảnh hưởng đến nỗ lực tìm kiếm hòa bình.

Theo ông Gaith Al-Omari, Giám đốc lực lượng đặc nhiệm Mỹ về Palestine, nguyên cố vấn của Tổng thống Abbas, Tổng thống Abbas đang phải chịu áp lực từ nhiều phía khi quyết định tham gia đàm phán hòa bình với Israel. Nếu từ chối đàm phán thì sẽ làm mếch lòng Mỹ, còn đồng ý đàm phán thì các đối thủ chính trị sẽ chỉ trích, đặc biệt là phong trào Hamas đang kiểm soát dải Gaza.

Hãng tin Reuters cho rằng phần lớn người dân Israel và Palestine đều tỏ ra bi quan về kết quả đàm phán. Các nhà phân tích chính trị hai nước cũng nhận định sau cuộc đàm phán lần này, tình hình Israel - Palestine sẽ không có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, vẫn có một số thực tế để lạc quan. Đầu tiên là tình hình xung đột giữa hai bên có giảm trong thời gian qua. Kế đến là số người ủng hộ giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại song song ngày càng tăng trong nội bộ Israel và Palestine lẫn cộng đồng quốc tế. Song song đó, Thủ tướng Netanyahu vốn là người chủ trương cứng rắn với Palestine nhưng đã có một số nhượng bộ và công khai ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Và cuối cùng là Tổng thống Abbas đang mong muốn đạt được thỏa thuận hòa bình với Israel để xóa nhòa ảnh hưởng của tổ chức Hamas.

Ngày 31-8, phong trào Hamas đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công một xe ôtô tại bờ Tây và bắn chết bốn người Israel. Lực lượng an ninh Palestine đã bắt giữ 150 tay súng Hamas bị tình nghi. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên án đây là hành động khủng bố. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Ehud Barak tuyên bố sẽ trả đũa. Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs nhận định vụ tấn công nhằm hủy hoại cuộc đàm phán hòa bình.

Các chặng đường đàm phán

13-9-1993: Sau sáu tháng đàm phán bí mật và trực tiếp ở Oslo (Na Uy), Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (OLP) tuyên bố thừa nhận lẫn nhau và ký kết tại Washington tuyên bố nguyên tắc về quyền tự trị Palestine trong thời gian quá độ năm năm.

4-5-1994: Hiệp định về quyền tự trị của dải Gaza và bờ Tây được phê chuẩn ở Cairo (Ai Cập). Israel rút quân khỏi 70% lãnh thổ dải Gaza và bờ Tây.

28-9-1995: Tại Washington, hiệp định tạm thời (Oslo II) về mở rộng quyền tự trị ở bờ Tây quy định nhiều đợt rút quân tiếp theo của Israel.

23-10-1998: Tại Wye Plantation (Mỹ), ký kết hiệp định tạm thời về các thể thức rút quân đội Israel khỏi 13% lãnh thổ bờ Tây.

Từ 11 đến 25-7-2000: Tại hội nghị thượng đỉnh ở trại David (Mỹ), Palestine và Israel vấp phải vấn đề Jerusalem và người tị nạn. Hai tháng sau, chiến tranh đá cuội (Intifada) lần thứ hai bùng nổ.

Tháng 12-2000: Đàm phán ở Taba (Ai Cập) về kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

30-4-2003: Bộ tứ về Trung Đông (LHQ, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga) công bố lộ trình hòa bình với nội dung thành lập nhà nước Palestine vào năm 2005 sau khi Palestine chấm dứt sử dụng vũ lực và Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái. Israel và Palestine ký kết lộ trình ngày 4-6-2003 tại hội nghị thượng đỉnh ở Aqaba (Jordan).

27-11-2007: Tại Annapolis (Mỹ), Israel và Palestine thỏa thuận sẽ đạt được hiệp định hòa bình vào cuối năm 2008. Các bên đã đạt được thỏa thuận về đổi đất ở bờ Tây và chia sẻ chủ quyền ở các thánh địa tại Jerusalem.

27-12-2008: Israel mở chiến dịch quân sự tấn công vào dải Gaza. Các cuộc đàm phán hòa bình ngưng trệ.

THIÊN ÂN (Theo JTA, Reuters, AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm