Italia “nổi đóa” vì đại sứ tại Ấn Độ bị cấm xuất cảnh

Italia “nổi đóa” vì đại sứ tại Ấn Độ bị cấm xuất cảnh ảnh 1

Đại sứ Italia tại Ấn Độ Daniele Mancini (trái).
Bộ trưởng Ngoại giao Italia gọi vụ việc là một “bằng chứng về sự vi phạm” công ước Viên về Quan hệ ngoại giao. 
Tất cả xuất phát từ một phán quyết được Tòa án tối cao Ấn Độ đưa ra ngày 18/3 cho rằng đại sứ Italia Daniele Mancini đã từ bỏ quyền miễn trừ của mình. Theo BBC, phán quyết này của New Delhi là nhằm đáp trả việc Rome từ chối dẫn độ 2 binh lính của nước này bị cáo buộc đã sát hại 2 ngư dân Ấn Độ.
Hồi tháng trước, 2 binh sỹ này được phép trở về quê nhà để tham gia cuộc bầu cử với điều kiện sẽ trở lại để bị xét xử. Nhưng đến nay, dù cuộc bầu cử đã kết thúc từ lâu họ vẫn biệt tích. Trước đó, ông Mancini chính là người đã lấy tư cách cá nhân bảo lãnh cho các binh sỹ này rằng họ sẽ trở lại trong vòng 4 tuần. 
Danh tính của 2 người này được xác định là Massimilian Latorre và Salvatore Girone. Họ đã bắn chết các ngư dân Ấn Độ tại Kerala hồi tháng 2 năm ngoái do nhầm tưởng đây là những kẻ cướp biển.
Phát biểu trước tòa, Tổng chưởng lý của Ấn Độ Altamas Kabir khẳng định đã “mất lòng tin” vào vị đại sứ của Italia. Ông cũng nhắc lại một sắc lệnh được ban hành hồi tuần trước, cấm ông Mancini rời Ấn Độ “cho đến khi có thông báo mới”. Phiên điều trần tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 2/4. 
Về phần mình, Italia cho rằng các binh sỹ của mình phải được xét xử tại Italia và khẳng định Ấn Độ không có quyền tài phán đối với vụ án do hiện trường nằm trong hải phận quốc tế
Đáp lại, Ấn Độ tuyên bố cho dù vị trí của con tàu là ở đâu đi chăng nữa, nước này vẫn có quyền xét xử các binh lính Italia do các ngư dân đều là công dân Ấn Độ không có vũ trang và ở trên một tàu cá của Ấn Độ.
Trong phán quyết của mình, Tòa án Tối cao Ấn Độ khẳng định với việc đồng ý bảo lãnh cho các binh sỹ, ông Mancini đã từ bỏ quyền miễn trừ của mình. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh còn cảnh báo “sẽ có những hậu quả” nếu Italia không đưa các nghi phạm quay lại Ấn Độ. Với lời lẽ cứng rắn hiếm thấy, ông cho rằng việc Rome từ chối làm vậy là “không thể chấp nhận được”.
Theo Thanh Tùng (Dân trí / BBC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm