Kết thúc đàm phán Mỹ-Trung: ‘Quả bom’ có được gỡ?

Dẫn đầu phái đoàn chủ nhà Trung Quốc (TQ) trong đàm phán thương mại với Mỹ hai ngày qua là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Cố vấn kinh tế cấp cao của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tham gia về phía Mỹ là một phái đoàn hùng hậu, dẫn đầu là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Chưa giải quyết được mâu thuẫn cốt lõi

Tân Hoa xã (TQ) chiều 4-5 chỉ đưa thông tin ngắn gọn rằng TQ và Mỹ “đã đạt thỏa thuận về một số vấn đề trong cuộc tham vấn kinh tế và thương mại, đồng ý sẽ thành lập một cơ chế làm việc nhằm duy trì liên lạc”.

Hai ngày đàm phán hai bên chủ yếu đối thoại về các phàn nàn của Mỹ với các chính sách thương mại của TQ, từ việc TQ ép các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ, TQ bảo hộ phát triển công nghệ nước mình, đến mất cân bằng thương mại hai bên.

Trước cuộc gặp, Reuters dự báo kết quả hai ngày đàm phán không có khả năng đưa đến thỏa thuận về thay đổi chính sách kinh tế TQ nhưng phía TQ sẽ đưa ra một số chính sách ngắn hạn có thể làm lung lay quyết định của Mỹ áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa TQ. Không ngoài dự đoán này, TQ đã có một số nhượng bộ nhỏ với Mỹ như giảm thuế nhập khẩu ô tô, tăng mua hàng Mỹ.

Dù thế nào Bloomberg vẫn đánh giá là kết quả khích lệ nếu so với những diễn biến căng thẳng gần đây, sau khi kênh đàm phán kinh tế cấp cao chính thức Mỹ-Trung bị ngưng cuối năm 2017. Ngay bản thân cuộc đàm phán có thể diễn ra được đã là một thành công khi mới đầu tháng 4 TQ còn tuyên bố sẽ không có cuộc đàm phán thương mại nào giữa hai nước trong hoàn cảnh hiện tại.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ hai từ trái sang) và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross (thứ hai từ phải sang) ở Bắc Kinh ngày 4-5. Ảnh: GUARDIAN

Trong khi nhiều chuyên gia vin vào những dấu hiệu nhỏ nhất để lạc quan thì cũng có ý kiến lo ngại hai bên sẽ khó tránh khỏi một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, khi Mỹ đã đầu tư một phái đoàn hùng hậu đến đàm phán mà vẫn không đạt thỏa thuận thực chất.

Theo nhà phân tích cấp cao Monica de Bolle tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), tình trạng Mỹ và TQ hiện đã ở mức “tiền chiến tranh thương mại”. Chuyên gia Phil Levy, thành viên cấp cao Hội đồng Cố vấn kinh tế chính phủ Tổng thống Mỹ George W. Bush, nhận định khả năng chiến tranh thương mại hoàn toàn có thể xảy ra nếu vòng luẩn quẩn trả đũa đánh thuế ngày càng leo thang và nghiêm trọng.

Bên nào cũng nắm “vũ khí lợi hại”

Ông Trump từng nói Mỹ sẽ “thắng dễ dàng” trong cuộc chiến thương mại với một nước mà Mỹ xuất ít hơn nhập. Bởi Mỹ có nhiều mục tiêu hàng hóa để chọn lựa đánh thuế hay thu hẹp hạn ngạch hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì ông Trump có thể sai lầm khi nghĩ Mỹ không mất gì nhiều. Thuế Mỹ đánh lên hàng TQ không chỉ tổn thương mỗi TQ mà cả người sản xuất và tiêu dùng Mỹ. Mỹ tăng thuế đánh lên hàng bộ phận máy móc và công nghệ cao TQ sẽ khiến các tập đoàn máy bay, ô tô Mỹ phải tốn nhiều tiền hơn để nhập về.

91 tỉ USD, tương đương 16% là con số thiếu hụt thương mại của Mỹ với TQ trong quý đầu năm nay, số liệu chính phủ Mỹ công bố ngày 3-5. 

Phần mình, TQ dù không có nhiều lựa chọn bằng Mỹ nhưng một khi TQ thực thi việc tăng thuế hàng nông sản Mỹ thì có nguy cơ các cứ điểm chính trị ủng hộ ông Trump, vành đai nông sản gồm các bang Ohio, Iowa, Missouri, Indiana, sẽ lung lay. TQ có thể sẽ có bước đi gây khó khăn các công ty Mỹ gia công hàng ở TQ, ví dụ như hoãn xuất điện thoại iPhone sang Mỹ.

Theo ông Chris Siniakov, Giám đốc điều hành thị trường Úc của Quỹ đầu tư Franklin Templeton (Mỹ), căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều nước khác. Theo ông Siniakov, chưa cần chờ đến khi chiến tranh thương mại thật sự xảy ra, chỉ cần cụm từ “chiến tranh” được nhắc đến là đã không tốt với kinh tế toàn cầu.

Nhà kinh tế trưởng Paul Gruenwald tại công ty dịch vụ tài chính Mỹ S&P Global Ratings cảnh báo tăng trưởng toàn cầu sẽ phải trả giá nếu Mỹ và TQ không chấm dứt đối đầu thương mại. Theo ông, nếu đối đầu cứ kéo dài, “người tiêu dùng sẽ bớt chi tiêu, các công ty sẽ ngưng đầu tư, niềm tin thị trường giảm và con đường tăng trưởng sẽ không còn sáng sủa”. Tệ hơn, nếu hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới chiến tranh thương mại thật, kinh tế toàn cầu dù chưa tới mức suy thoái nhưng cũng sẽ giảm tăng trưởng nghiêm trọng.

Hai bên liên tục “ăn miếng trả miếng”

Tháng 3, ông Trump ra sắc lệnh đánh thuế nhập khẩu 25% lên thép và nhôm TQ. Trả đũa, TQ tăng thuế lên các mặt hàng trái cây, hạt, đậu, rượu vang của Mỹ. Ngày 3-4, Mỹ công bố danh sách 1.300 sản phẩm TQ mà Mỹ muốn đánh mức thuế nhập khẩu 25%, ảnh hưởng đến lượng hàng trị giá 50 tỉ USD, chủ yếu là hóa chất, thiết bị y tế, điện tử, công nghệ, quần áo, xe, máy bay.

Ngày 4-4, TQ tuyên bố sẽ áp mức thuế nhập khẩu 25% lên 106 mặt hàng Mỹ: Đậu nành, bắp, cao lương, bông, một số loại bột, một số loại nông sản khác, nước cam, rượu whisky, thuốc lá, bia, dầu nhờn, khí propane, các sản phẩm nhựa, ô tô, xe tải, hóa chất, một số loại máy bay. Tổng lượng hàng bị ảnh hưởng cũng ở mức 50 tỉ USD.

Ngày 5-4, ông Trump lệnh các quan chức thương mại Mỹ cân nhắc tăng mức thu thuế nhập khẩu trên lượng hàng TQ trị giá 100 tỉ USD. Ngày 6-4, Bộ Thương mại TQ nói nước này sẽ đấu với Mỹ “với bất cứ giá nào” và sẽ “trả đũa toàn diện” bước đi mới nhất của ông Trump.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm