Khám phá tổng hành dinh của WikiLeaks

Trong một khu phố sang trọng của Stochkholm, Thụy Điển, có một quả đồi đầy tuyết phủ, trên đỉnh là một nhà thờ. Còn nằm sâu trong lòng là một boongke có thể chống được các cuộc tấn công hạt nhân. Đó chính là nơi trú ẩn của cả một trung tâm tin học hiện đại nhất thế giới, với 8.000 máy chủ mà trong đó có 2 chiếc máy của WikiLeaks.

Không phải đợi đến đợt tiết lộ bí mật ngoại giao của Mỹ thì WikiLeaks và Assange mới bị tấn công. Trên thực tế, cuộc tấn công tin tặc nhằm vào WikiLeaks bắt đầu kể từ ngày 10/10/2010, khi trang mạng này công bố hàng trăm nghìn tài liệu về cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Trang web bắt đầu bị tin tặc tấn công và gặp "sức ép ngoại giao ngầm", phải chuyển hết từ máy chủ này sang máy chủ khác trên toàn thế giới.

Khám phá tổng hành dinh của WikiLeaks ảnh 1

 Jon Karlund, chủ nhân của cơ sở Banhof đang chỉ 2 chiếc máy chủ của WikiLeaks

Hiện nay, dữ liệu của WikiLeaks đang được lưu trữ tại các máy chủ của Công ty Thụy Điển Bahnhof sau khi bị Công ty Amazon.com ngừng cung cấp dịch vụ máy chủ vào ngày 1/12/2010 dưới sức ép của chính quyền Mỹ.

Trước đó, WikiLeaks đã sử dụng dịch vụ máy chủ của Công ty Pháp OVH, nhưng công ty này bị Bộ Công nghiệp Pháp phản đối và đành bỏ cuộc. Chưa hết, hôm 4/12, Hãng tài chính PayPal tuyên bố đã đóng cửa tài khoản WikiLeaks sử dụng để thu nhận tiền quyên góp cũng với lý do "WikiLeaks vi phạm quy định công ty".

Công ty cung cấp tên miền EveryDNS.net cũng ngừng dịch vụ cung cấp tên miền cho WikiLeaks, nhưng trang mạng này đã chuyển sang hoạt động ở ít nhất 20 tên miền khác nhau, trong đó có wikileaks.ch, wikileaks.dd19.de, wikileaks.org.uk... Sau khi bị tấn công tới tấp đến mất luôn tên miền WikiLeaks.org, trang mạng này vẫn đứng vững với tên miền mới của Thụy Sĩ WikiLeaks.ch. Và để bảo đảm có chỗ trú thân an toàn, website này đã cộng tác với nhà cung cấp Banhof của Thụy Điển.

Dẫn phóng viên AFP đi tham quan các cơ sở tin học đầu não của thế giới đặt trong lòng núi đá, ông Jon Karlund, chủ nhân của cơ sở Banhof cho biết: "Mọi sự ồn ào đang diễn ra trên khắp thế giới đều xuất phát từ hai chiếc hộp nhỏ là máy chủ của Wikileaks đặt tại đây".

Chỉ cao chừng nửa mét, nằm trong chiếc tủ kính, hai chiếc hộp thanh mảnh bằng nhựa đen cuốn đầy dây cáp điện phát ra những tín hiệu màu xanh báo hiệu máy đang hoạt động tốt. Trông không có gì đặc biệt trong một chiếc tủ trắng có khóa, cũng giống như hàng chục chiếc tủ khác nằm nối nhau thành dãy dài.

Banhof là một trong số nhiều công ty từ tháng 10 vừa qua tiếp nhận các máy chủ của WikiLeaks. Từ nơi này đã phát đi những tài liệu mật, đặc biệt là những bức điện mật của ngành ngoại giao Mỹ được phát tán từ cuối tháng 11. Trong tiếng kêu ro ro của những chiếc quạt làm mát không khí, Jon Karlund đưa phóng viên đi thăm trung tâm nổi tiếng này. Bản thân ông cũng thừa nhận không có gì đặc biệt trong vận hành của cơ sở. WikiLeaks cũng chỉ là một khách hàng được đối xử như nhưng khách hàng khác.

Khi xâm nhập vào nơi bí ẩn này, người ta không thể không liên tưởng tới bối cảnh của một bộ phim khoa học viễn tưởng hay phim trinh thám mà nhân vật chính của phim chính là Julian Assange, người hùng dám một mình thách thức các cường quốc trên thế giới qua mạng WikiLeaks.

Khám phá tổng hành dinh của WikiLeaks ảnh 2

Trung tâm Banhof

Để bước vào thế giới của Banhof, trước tiên phải đi qua một cánh cửa trượt bằng kính có mã số. Tiếp đó một hành lang tay vịn dẫn vào phía trung tâm của cơ sở được bảo vệ bằng một buồng thông áp mà cửa mở vào cũng được điều khiển bằng mã số.

Nơi trú ẩn có tên gọi là "pionen" này đã được xây dựng trong khu Sodermalm từ giữa những năm 40 của thế kỷ trước, sau đó được chuyển thành nơi trú ẩn đề phòng các cuộc tấn công hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Rồi nơi đây lại được sử dụng làm phòng triển lãm trưng bày. Mới đây vài năm Công ty Banhof đã mua lại địa điểm để làm trung tâm lưu trữ các dữ liệu tin học.

Jon Karlund cho biết: "Chúng tôi được bảo vệ rất tốt trước các cuộc tấn công sử dụng sức mạnh, nhưng đó không phải là mối nguy hiểm của chúng tôi. Đe dọa chính có lẽ lại là mặt pháp lý và rất có thể là các cuộc tấn công trên mạng". Trong một căn phòng liền kề phòng máy chủ, các giao lưu thông tin của WikiLeaks được hiện lên tức thời trên một màn hình.

Ông chủ của trung tâm cho biết: "Đến giờ thì chúng tôi chưa gặp phải một cuộc tấn công trực tiếp nào. Chúng tôi vẫn quan sát các tác động liên quan đến các cuộc tấn công khác, nhưng không có cuộc nào nhằm vào cơ sở của chúng tôi hay những dịch vụ do các máy chủ đặt ở chỗ chúng tôi cung cấp. Ông cũng nói thêm là WikiLeaks không dại gì đem "đặt hết trứng vào một rổ đâu", họ vẫn còn những máy chủ đặt ở nơi khác trên thế giới.

Với điều kiện không vi phạm pháp luật của Thụy Điển, những khách hàng như WikiLeaks đều có thể đặt máy chủ của họ ở Banhof. Họ phải trả tiền thuê và nội dung thông tin phải hợp pháp theo luật Thụy Điển thì sẽ được phục vụ, cũng giống như ở bưu điện mà thôi.

Hiện tại hệ thống dữ liệu của WikiLeaks xem ra vẫn an toàn và tiếp tục tung lên mạng các tài liệu ngoại giao của Mỹ, và có lẽ vẫn sẽ phải tiếp tục “di trú” từ máy chủ này qua máy chủ khác,

Giang Khuê tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm