Khởi động đàm phán Syria

Ngày 1-2 (giờ địa phương), chính phủ Syria và phái đoàn đàm phán của phe đối lập Syria (được gọi là Cao ủy đàm phán) bước vào vòng đàm phán chính thức đầu tiên tại Genève (Thụy Sĩ).

Hôm trước đó tại Genève, lần đầu tiên phái đoàn đàm phán của phe đối lập Syria đã gặp đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura.

Họ yêu cầu phải có hành động khẩn cấp về tình hình nhân đạo ở Syria gồm thực hiện Nghị quyết 2254 (ngày 18-12-2015) của Hội đồng Bảo an LHQ, ngừng ném bom vào dân thường, ngừng bao vây các thành phố, trả tự do cho ba triệu phạm nhân phụ nữ và trẻ em đang bị giam giữ.

Trả lời kênh truyền hình France 24 tại Genève, phái đoàn đàm phán của phe đối lập nước này đổ lỗi cho chính phủ Syria đã sử dụng vấn đề nhân đạo như vũ khí chống lại phe đối lập.

Phái đoàn đàm phán tố máy bay Syria và Nga đã ném bom ngăn cản xe chở hàng cứu trợ vào các TP bị bao vây.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi hai phái đoàn Syria nắm bắt lấy cơ hội để kết thúc cuộc chiến thảm khốc kéo dài gần năm năm qua ở Syria.

Ba vụ đánh bom cạnh đền thờ Sayyidah Zaynab ở Damascus (Syria). Ảnh: AFP

Ông cũng kêu gọi chính phủ Syria cho phép đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào các TP đang bị quân đội chính phủ bao vây.

Đoàn đàm phán của chính phủ Syria do Đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari dẫn đầu. Ngày 31-1, ông nhận xét phái đoàn đàm phán của phe đối lập Syria không nghiêm túc và không đáng tin cậy.

Trong khi đó, phe đối lập Syria cử Cao ủy đàm phán gồm đại diện của các nhân vật chính trị đối lập và các phe nhóm nổi dậy chống chính phủ Syria.

Mohammed Alloush thuộc cánh chính trị của nhóm nổi dậy Jaysh al-Islam (Đạo quân Hồi giáo) ở Syria đã xưng là trưởng phái đoàn đàm phán. Nhóm nổi dậy này theo dòng Hồi giáo Salafi, đã bị chính phủ Syria liệt vào nhóm khủng bố.

Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura tổ chức tiến trình đàm phán về Syria theo thể thức gián tiếp với các phái viên giữ vai trò con thoi giữa hai phái đoàn Syria.

Tiến trình đàm phán có thể kéo dài sáu tháng. Đây là thời hạn do LHQ ấn định để đạt đến thời kỳ quá độ nhằm tổ chức bầu cử vào giữa năm tới.

Trong lúc các bên chuẩn bị đàm phán hòa bình ở Thụy Sĩ, sáng 31-1, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã đánh bom kinh hoàng tại thủ đô Damascus của Syria.

Ba vụ đánh bom xảy ra cạnh đền thờ Sayyidah Zaynab của dòng Shiite.

Ban đầu một xe gài bom phát nổ trước trạm dừng xe buýt cạnh đền thờ. Kế đến hai tên đánh bom liều chết kích nổ đai bom vào lúc nhiều người tụ tập cứu các nạn nhân.

Đền thờ Sayyidah Zaynab là nơi có hầm mộ của một cháu gái của tiên tri Muhammad, do đó là nơi linh thiêng đối với tín đồ Hồi giáo.

Thủ tướng Syria Wael al-Halki khẳng định: Mục đích của vụ đánh bom đền thờ Sayyidah Zaynab hôm 31-1 nhằm vực dậy tinh thần bọn khủng bố đang bị quân đội chính phủ đánh tơi tả trên mọi mặt trận.

Ngoại trưởng Syria đã gửi thư cho Hội đồng Bảo an LHQ và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon với nhận định ba vụ đánh bom hôm 31-1 ở Damascus nhằm âm mưu phá hoại cuộc đàm phán hòa bình ở Genève.

Thư ghi nhận thủ phạm của các vụ đánh bom là bọn khủng bố được Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar hậu thuẫn.

Báo Kommersant (Nga) dẫn nguồn từ quân đội Nga cho biết Nga dự tính đưa máy bay tiêm kích mới Su-35S (thế hệ “4++”) đến thử nghiệm trong các vùng chiến sự ở Syria. Đây là lần đầu tiên Nga thử nghiệm máy bay trong điều kiện thù địch. Dự kiến quân đội Nga sẽ điều động bốn máy bay Su-35S mới nhận được hồi tháng 10-2015 đến căn cứ Hmeimim ở tỉnh Latakia (Syria). Máy bay đa năng Su-35 được chế tạo để gia tăng khả năng chiến đấu của máy bay Su-27 (tiêu diệt mục tiêu trên không và dưới mặt đất).

_________________________________

60 người chết và 110 người bị thương trong ba vụ đánh bom cạnh đền thờ Sayyidah Zaynab ở thủ đô Syria theo hãng tin SANA.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm