Không thấy cứu trợ, người dân Nepal giận dữ chặn đường

Cứu trợ chậm trễ, dân phẫn nộ

Tại thủ đô Kathmandu, khoảng 200 người biểu tình bên ngoài quốc hội, yêu cầu tăng thêm chuyến xe bus để họ trở về các vùng xa xôi của Himalaya và đẩy nhanh việc phân phối các khoản viện trợ được gửi đến đất nước nhưng chưa đến được với người dân.

Tại làng Sangachowk – một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, cách thủ đô 3 giờ theo đường bộ, người dân đã chặn các ngả đường bằng lốp xe. Họ chặn lại hai xe tải mang theo gạo, mỳ tôm và bánh quy. Sau đó, họ chặn ba xe quân đội với nguồn cứu trợ, điều này đã dẫn đến bế tắc căng thẳng với những người lính vũ trang.

"Chính phủ đã không cung cấp thức ăn cho chúng tôi," Udhav Giri cho biết,. "Xe tải chở gạo đi qua và không dừng lại. Các trụ sở huyện đã lấy hết thực phẩm."

"Đây là một thảm họa nặng nề chưa từng có. Việc quản lý các hoạt động cứu trợ có một số vấn đề", Bộ trưởng Truyền thông Minendra Rijal Nepal cho biết vào cuối ngày thứ Ba.

Người biểu tình Nepal đụng độ cảnh sát

Một quan chức của Nepal cho biết số người chết được xác nhận đã lên tới 5238 trong đêm thứ Tư. Gần 10.350 người bị thương ở Nepal, và hơn 80 đã thiệt mạng ở Ấn Độ và Tây Tạng.

Thủ tướng Sushil Koirala nói với tờ Reuters rằng số người chết có thể lên tới 10.000, tuy nhiên chưa có được thông tin về thương vong và thiệt hại từ các ngôi làng và thị trấn xa xôi. Số người chết có thể vượt hơn 8.500 –số người chết trong trận động đất năm 1934 tại Himalaya.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu rằng thủ đô Kathmandu đã từ từ trở lại bình thường. Một số người chuẩn bị trở về nhà sau khi trải qua bốn đêm cuối cùng trong sợ hãi vì lo nhà của họ có thể không chịu được các cơn dư chấn. Một số người bán hàng rong còn bắt đầu bán trái cây trở lại trong thành phố.
Tại một số khu vực miền núi, chính phủ đã nỗ lực để cung cấp viện trợ. Tuy nhiên, máy bay trực thăng cứu hộ đã gặp khó khăn trong việc hạ cánh tại một số địa điểm.
Shambhu Khatri, một kỹ thuật viên trên máy bay trực thăng cho biết toàn bộ sườn đồi đã sụp đổ ở huyện Gorkha, chôn vùi các ngôi nhà, và việc tiếp cận gần như là không thể.

Nỗi lo về dịch bệnh

Không thấy cứu trợ, người dân Nepal giận dữ chặn đường ảnh 2
Người dân biểu tình tại Nepal

Tại thủ đô Kathmandu và các thành phố khác, các bệnh viện nhanh chóng bị quá tải, quá nhiều người bị thương do trận động đất, nhiều người phải điều trị ở ngoài trời hoặc không được điều trị gì cả.

Guna Raj, người làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Kathmandu cho biết đã có sự bùng phát của bệnh tiêu chảy ở các trại cứu trợ vì thiếu nhà vệ sinh và nước sạch. "Trong vài ngày hay vài tuần tới, tôi chắc chắn sẽ có một đợt bùng phát dịch bệnh," anh cho biết.
Ngoại trưởng Shanker Das Bairagi kêu gọi các bác sĩ chuyên môn từ nước ngoài, các đội tìm kiếm và cứu hộ đến giúp đỡ bất chấp lời thông báo trước đó từ các quan chức rằng Nepal không cần thêm sự trợ giúp nữa.
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi cứu trợ và cứu hộ. Chúng tôi cần bác sĩ thần kinh, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình và bác sĩ phẫu thuật chấn thương," Bairagi nói. Các chuyên gia từ một tổ chức phi chính phủ Ba Lan đã nói cơ hội của việc tìm kiếm những người còn sống trong đống đổ nát năm ngày sau khi trận động gần như là bằng không.
Tuy nhiên, đội cứu hộ đã tìm thấy một người đàn ông 28 tuổi, Rishi Khanal, từ một khu chung cư bị sập ở Kathmandu vào thứ Ba sau khoảng 80 giờ bị mắc kẹt trong một căn phòng với ba xác chết. Các bác sĩ đã phải cắt bỏ một chân của anh ta vào hôm thứ Tư vì vết thương do máu chảy kéo dài.
Thành viên của nhóm tìm kiếm và cứu hộ Israel Magnus cho biết hàng trăm khách du lịch, trong đó có khoảng 100 người Israel, đã được trực thăng đưa ra khỏi Langtang ở quận Rasuwa, một khu vực leo núi nổi tiếng ở phía bắc Kathmandu xảy ra lở tuyết vào hôm thứ Ba.
Các cuộc ẩu đả đã nổ ra ở đó bởi vì tình trạng thiếu lương thực, thành viên nhóm nghiên cứu Magnus Amit Rubin cho biết. Hơn nữa cón có ẩu đả trên máy bay trực thăng cứu hộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm