Khủng hoảng Iran-Saudi Arabia: Yemen và Syria bị vạ lây!

Quan hệ căng thẳng giữa hai cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shiite không có dấu hiệu giảm bớt sau sự kiện Saudi Arabia xử tử hình giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr.

Sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran để phản đối đại sứ quán Saudi Arabia tại Iran bị tấn công, ngày 4-1 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Saudi Arabia tiếp tục thông báo ba biện pháp trả đũa mới:

- Dừng các chuyến bay giữa hai nước.

- Cắt đứt mọi quan hệ thương mại với Iran.

- Cấm các công dân Saudi Arabia đến Iran.

Sau khi Bahrain thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran để ủng hộ đồng minh truyền thống Saudi Arabia, đến lượt Sudan tuyên bố tương tự.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng đã triệu hồi đại sứ ở Iran về nước và thông báo giảm số nhân viên ngoại giao Iran ở Abu Dhabi với lý do Iran can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực.

Ngày 5-1, Kuwait đã triệu hồi đại sứ ở Iran về nước.

Căng thẳng Iran-Saudi Arabia đang de dọa toàn vùng Trung Đông. Hai nước gánh chịu hậu quả trực tiếp là Yemen và Syria.

Tại Yemen, nội chiến đang diễn ra giữa quân đội chính phủ và phiến quân Houthi (theo dòng Shiite).

Saudi Arabia đã thành lập liên quân chín nước Ả Rập can thiệp quân sự vào Yemen để giúp quân đội chính phủ.

Ngày 15-12-2015, đàm phán hòa bình được tổ chức tại Thụy Sĩ nhưng không đạt được kết quả cụ thể. Dự kiến ngày 14-1 tới, phiến quân Houthi và đại diện chính phủ sẽ gặp nhau.

Cảnh sát Ấn Độ giải tán biểu tình của người Hồi giáo Shiite ở Kashmir ngày 4-1. Ảnh: REUTERS

Chuyên gia Farea Al-Muslimi ở Trung tâm Carnegie về Trung Đông nhận định: “Iran và Saudi Arabia đều xem Yemen là mặt trận mới… Căng thẳng giữa hai nước sẽ khiến chiến sự kéo dài và giảm thiểu mọi cơ hội đạt được giải pháp chính trị”.

Tại Syria, tiến trình ngoại giao đang diễn ra để chấm dứt nội chiến ở Syria có nguy cơ bị ảnh hưởng vì Iran và Saudi Arabia đều tham gia tiến trình này nhưng ở hai thế khác nhau.

Saudi Arabia ủng hộ một số nhóm đối lập chống chính phủ Syria còn Iran lại hậu thuẫn cho chính quyền Syria.

Sau hai hội nghị quốc tế ở Vienna (Áo) hồi tháng 10-2015 và 12-2015, LHQ hy vọng ngày 25-1 tới chính phủ Syria và phe đối lập sẽ ngồi vào bàn đàm phán ở Genève (Thụy Sĩ).

Ngoài Yemen và Syria, chiến tranh ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran cũng đang diễn ra tại Iraq và Libya.

Trong bối cảnh đó, nhiều nước tiếp tục kêu gọi Saudi Arabia và Iran xuống thang.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với hai ngoại trưởng Iran và Saudi Arabia để khuyến khích hai nước bình tĩnh và xuống thang.

Hãng tin TASS (Nga) đưa tin Nga sẵn sàng đón tiếp hai ngoại trưởng Iran và Saudi Arabia đến hội đàm nếu hai bên có thiện chí.

AFP đưa tin ngày 10-1 tới, Liên đoàn Ả Rập sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt.

Đêm 4-1, Hội đồng Bảo an LHQ đã lên án vụ tấn công đại sứ quán Saudi Arabia ở Iran và yêu cầu Iran tôn trọng hoàn toàn nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ các cơ quan ngoại giao.

Cùng ngày, Đại sứ Saudi Arabia tại LHQ Abdallah al-Mouallimi đã trấn an khủng hoảng giữa Saudi Arabia và Iran sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nào về nỗ lực hòa bình ở Syria và Yemen, đồng thời Saudi Arabia sẽ không tẩy chay các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã điện đàm với hai ngoại trưởng Saudi Arabia và Iran, đề nghị tránh mọi hành động có thể gây căng thẳng đồng thời tiếp tục đối thoại xây dựng. Ông Staffan de Mistura, đặc phái viên của LHQ về Syria, đang trên đường sang Saudi Arabia, sau đó sẽ đến Iran để tìm cách giảm căng thẳng.

________________________________

Khủng hoảng trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran là vấn đề rất đáng quan tâm. Vấn đề này có nguy cơ gây ra hàng loạt hậu quả tai hại trong khu vực.

Đặc phái viên của LHQ về Syria STAFFAN DE MISTURA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm