Khủng hoảng Myanmar và tuyên bố chung 5 điểm của ASEAN

Sau cuộc hội đàm ngày 24-4 tại thủ đô Jakarta (Indonesia), lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thống nhất một tuyên bố chung gồm năm điểm liên quan việc giải quyết khủng hoảng tại Myanmar.

Trong giới học giả xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về nội dung của tuyên bố, và câu hỏi về tương lai của Myanmar được đặt ra, theo tờ South China Morning Post.

ASEAN thống nhất 5 điểm về Myanmar

Năm điểm thống nhất của ASEAN về Myanmar là: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa “tất cả các bên liên quan”, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, và cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar.

Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing đã tham gia hội nghị thượng đỉnh ASEAN này và được cho là đã đồng ý với những điểm nói trên.

Tuy nhiên, sự đồng thuận này không có phiếu nhất trí từ Chính phủ thống nhất quốc gia (NUG), hay còn được xem là chính phủ đối lập bao gồm hầu hết các chính trị gia thuộc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, các lãnh đạo phong trào biểu tình và những nhóm thiểu số.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN về khủng hoảng Myanmar tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP

Nhiều ý kiến cho rằng kết quả hội nghị ASEAN với "sự đồng thuận năm điểm" đã không đề cập sự cần thiết của việc chính quyền quân sự phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho lãnh đạo đảng NLD - bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các quan chức của chính quyền dân sự đang bị giam giữ.

Thay vì nhắc đến vấn đề này trong tuyên bố chung của ASEAN, một tuyên bố được Brunei đưa ra với tư cách là chủ tịch ASEAN lâm thời chỉ viết rằng ASEAN “đã nghe thấy những lời kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị kể cả người nước ngoài”.

Có bi quan nhưng cũng nhiều lạc quan

Nhiều học giả bày tỏ ý kiến bi quan về tính hiệu quả của tuyên bố ASEAN về Myanmar.

Ông Phil Robertson - Phó giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) là một trong những nhà quan sát không mấy hy vọng đồng thuận 5 điểm của ASEAN sẽ giúp giải quyết được khủng hoảng Myanmar.

Theo ông Robertson, tuyên bố của ASEAN “không hề có thoả thuận nào để chính quyền Myanmar trả tự do cho hơn 3.300 tù nhân chính trị đang bị giam giữ ở nước này, bao gồm cả những nhân vật chính trị cấp cao - những người có thể sẽ tham gia thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng”.

Ông Matthew Smith - người đại diện nhóm ủng hộ nhân quyền Fortify Rights (Myanmar) cũng không mấy lạc quan về hiệu quả của tuyên bố ASEAN.

Ông cho rằng “ASEAN đã sai khi mời tướng Min Aung Hlaing và cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là ông Min Aung Hlaing phải chỉ đạo chấm dứt các hành động bạo lực, trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, từ chức và trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự.

Thống tướng Min Aung Hlaing đến sân bay quốc tế Soekarno Hatta ngoại ô Jakarta, Indonesia. Ảnh: REUTERS

Trái ngược với quan điểm lạc quan nói trên, nhiều nhà phân tích nhấn mạnh rằng con đường dẫn đến cuộc đàm phán hôm 24-4 không hề dễ dàng vì các nước ASEAN có quan điểm khác nhau về chính biến. Đơn cử như trong khi Indonesia, Singapore và Malaysia lên án bạo lực và bày tỏ kêu gọi thả các nhân vật của đảng NLD ngay lập tức thì các quốc gia khác, chẳng hạn như Thái Lan vẫn hạn chế đưa ra các tuyên bố rắn.

Nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia - ông Thomas Daniel cho rằng cuộc hội đàm trực tiếp giữa ông Min Aung Hlaing và các quan chức ASEAN là một “bước tiến quan trọng”. Theo lời ông thì một số nhà lãnh đạo coi sự hiện diện của Thống tướng Myanmar là một thành công nhỏ.

Ông Evan Laksmana thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Indonesia cho biết đồng thuận ASEAN về Myanmar đặc biệt đáng chú ý vì nó đã xoá đi hoài nghi về việc liệu ASEAN có đủ đoàn kết để đưa ra một quyết định chung hay không.

Ông viết trên Twitter rằng: “Những gì chúng ta có bây giờ là nền tảng và khởi đầu của một quá trình do ASEAN dẫn dắt. Sự đồng thuận năm điểm chưa phải là thỏa thuận cuối cùng hay giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Vì vậy, các nhà phê bình không hài lòng với nội dung này nên đề xuất các ý tưởng khả thi để giải quyết vấn đề Myanmar”.

Liệu khủng hoảng Myanmar sẽ được tháo gỡ?

Điểm mấu chốt gây tranh cãi giữa những người phê bình và những người ủng hộ tuyên bố đồng thuận năm điểm của ASEAN là vai trò của từ Chính phủ thống nhất quốc gia (NUG) và sự thiếu vắng vai trò của NUG trong thỏa thuận của khối.

Trên các phương tiện truyền thông xã hội, những người biểu tình chống chính biến phê phán hội nghị ASEAN vì sự vắng mặt của NUG.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Ảnh: AP

Một số người liên quan cho biết một vài quốc gia trong khu vực đã liên hệ với NUG mặc dù lo ngại rằng việc công khai các cuộc đàm phán ngầm này có thể khiến tướng Min Aung Hlaing không họp với ASEAN.

Người phát ngôn của NUG - Tiến sĩ Sasa đã phát biểu hôm 24-4 rằng NUG hoan nghênh việc “các nhà lãnh đạo ASEAN đạt được sự đồng thuận rằng bạo lực quân sự ở Myanmar phải dừng lại và các tù nhân chính trị được trả tự do”.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là tại sao Tiến sĩ Sasa lại đề cập đến việc trả tự do cho các tù nhân chính trị trong khi vấn đề này không phải là một phần của sự đồng thuận năm điểm của ASEAN.

Các nhà phân tích đã nói với tờ This Week in Asia rằng quân đội Myanmar cần tham gia vào quá trình xuống thang căng thẳng và NUG phải có một vai trò bình đẳng với chính quyền quân đội trong vấn đề này.

Nhà nghiên cứu người Malaysia Daniel cho rằng đặc phái viên do ASEAN bổ nhiệm phải tiếp xúc với NUG và các tổ chức vũ trang thiểu số khi quan chức này đến Myanmar.

Ông nói: “Sẽ không có giải pháp chính trị nào ở đây nếu không có sự tham gia của họ. Mặc dù chính quyền quân sự sẽ cho phép điều này hay đe dọa rút khỏi đàm phán nếu NUG chính thức tham gia là một phép thử quan trọng đối với ASEAN”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm