Kỹ sư hàng không ở Mỹ 'tâm tư' chuyện về Việt Nam làm việc

Kỹ sư hàng không ở Mỹ 'tâm tư' chuyện về Việt Nam làm việc

(PLO)- Nhiều người Việt làm cho những công ty lớn và giữ nhiều chức vụ cao, trong lĩnh vực giáo dục cũng có khá nhiều người Việt là giáo sư tên tuổi tại đại học Mỹ.

LTS: Kính thưa quý độc giả! Trong bài cuối của loạt bài loạt “Đối thoại kiều bào trí thức”, Pháp Luật TP.HCM có những trao đổi với ông Trần Thắng, một người Việt đang làm việc tại Mỹ, người rất có tâm huyết với việc đóng góp và kết nối giữa cộng đồng kiều bào với các chương trình giáo dục và xã hội trong nước. Ông Trần Thắng có những góp ý đối với chủ trương thu hút, kêu gọi trí thức đang sống và làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam phát triển và cống hiến.

Cộng đồng người Việt tại Mỹ phát triển khá nhanh và hòa nhập xã hội đạt những thành tựu tốt. Trong những năm 1980 có 250 nghìn người. Đến năm 1990 có 600 nghìn người. Tiếp theo năm 2000 có 1,1 triệu người. Thời điểm vừa qua năm 2018, người Việt tại Mỹ có 2 triệu người, trong số đó 700.000 người có bằng đại học trở lên và có trình độ chuyên môn cao.

Nhiều người Việt làm cho những công ty lớn và giữ nhiều chức vụ cao, trong lĩnh vực giáo dục cũng có khá nhiều người Việt là giáo sư tên tuổi tại đai học Mỹ. Ðiển hình là anh Tăng Thái Hậu là Phó giám đốc công ty xe Ford, anh Trần Vũ Hoà giáo sư New York University, anh Trương Trác giáo sư John Hopskins University, anh Nguyễn Trường giáo sư tại UC San Diego, chị Nguyễn Thục Quyên giáo sư tại UC Santa Barbara,...

Trong 10 năm gần đây, một số nghiên cứu sinh Việt Nam có bằng tiến sĩ ở châu Âu & Mỹ chọn các đại học Mỹ là nơi để nghiên cứu & giảng dạy, họ làm rạng danh tên tuổi Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học như GS Ngô Bảo Châu tại University of Chicago, GS Ðàm Thanh Sơn tại University of Chicago, GS Ðỗ Minh tại University of Illinois - Urbana-Champaign, GS Vũ Hà Văn tại Yale University, GS Nguyễn Thành tại University of Connecticut...

Nhiều người Việt hiện đang làm việc cho những công ty công nghệ hàng đầu tại Mỹ trong lĩnh vực hàng không như Boeing, Pratt & Whitney, GE; kỹ nghệ xe hơi như Ford, GM, Chevrolet; công nghệ quốc phòng như Lockheed Martin, Raytheon, General Dynamics; công nghệ máy tính và thông tin như Apple, IBM, Intel, Microsoft, Google,…  

Với kinh nghiệm làm việc trong thời gian lâu dài, đây được xem là tài sản vô cùng quí báu của người Việt tại Mỹ. Họ là những người có chuyên môn sâu, có khả năng cao trong việc thiết kế, tổ chức và điều hành công việc. Ngoài ra, họ có khả năng tư vấn công ty Mỹ đầu tư tại Việt Nam.

Giới đại học cũng là điểm sáng của người Việt tại Mỹ. Nhiều giáo sư Việt tại các đại học hàng đầu Mỹ đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lãnh vực khoa học. Những đóng góp của họ là nền tảng để sáng chế ra sản phẩm mới hoặc ứng dụng công nghệ vào sản phẩm phục vụ đời sống của con người.

Tài năng của người Việt tại Mỹ trong độ tuổi 30 – 60, trong số họ có một số ít ỏi về Việt Nam tìm hiểu, trợ giúp dự án, hay làm việc lâu dài. Dù vậy, đa phần những kiều bào quay trở về vẫn chưa có sự kết nối với giới chuyên môn trong nước. Đối với giới trẻ người Việt sinh ra trên đất Mỹ hoặc đến Mỹ từ lúc nhỏ, họ không có sự liên kết từ trong nước. Tiềm năng người Việt tại Mỹ rất lớn nhưng chúng ta chưa có sự kết nối giữa nguồn tiềm năng này với đất nước.

Năm 2003 tại TP New York (Mỹ), tôi có nghe Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Nguyễn Ðình Bin nói về chương trình chuyển giao tri thức về nước. Cho đến nay đã hơn 15 năm, chúng ta vẫn chưa có một chương trình hay mô hình nào hình thành. Thỉnh thoảng chúng ta thấy có vài hội thảo thu hút tri thức Việt kiều họp và kết quả chỉ dừng ở mức hội nghị hội thảo, chưa tiến đến mô hình cụ thể.

Trong chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến TP New York vào tháng 5-2017 theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và tháng 9-2018 tham dự buổi họp tại Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng có gặp riêng nhóm Việt kiều ngành giáo dục. Dịp đó tôi có nói rằng Việt Nam cần có mô hình chuyên gia Việt-Mỹ mà từ năm 2003 đến giờ vẫn chưa có.

Mô hình chuyên gia Việt-Mỹ có hiệu quả là phải có người Việt kiều có trình độ chuyên môn và am hiểu về Việt Nam điều hành. Một mô hình kết nối chuyên gia Việt-Mỹ hữu hiệu là giúp cho các chuyên gia tương tác chuyên môn với nhau, làm việc qua không gian mạng mà không cần có mặt tại Việt Nam, làm việc được trong khung thời gian bận rộn hàng ngày của họ.

Tri thức trẻ người Việt đa phần sinh trưởng tại Mỹ nên họ dè dặt tham gia các dự án tại Việt Nam khi chưa có sự giới thiệu từ những người có tín nhiệm. Bản thân các tri thức Việt kiều trẻ hiểu rõ cội nguồn và mong muốn có cơ hội đóng góp cho đất nước.

Trong 15 năm qua, một số chuyên gia Việt kiều tham gia vào ĐH hoặc công ty tư nhân. Sự hợp tác đó là qua kênh quan hệ cá nhân. Ðó cũng là nguồn truyền cảm lớn để Chính phủ nghĩ đến một mô hình kết nối chuyên gia có hiệu quả.

Điển hình như GS. Võ Văn Tới, nguyên là GS tại ĐH Tufts, đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Y sinh tại ÐH Quốc Tế - ÐHQG TP.HCM, làm việc tại đây từ năm 2008. Khi còn đương nhiệm công việc tại Tutfs, GS. Võ Văn Tới trợ giúp nhiều trường đại học VN hợp tác với các đại học tại vùng Boston. Ngoài ra, GS. Võ Văn Tới tiếp nhận một số nghiên cứu sinh từ Việt Nam.

Bác sĩ Lư Doanh Doanh đang công tác bệnh viện tư nhân tại TP.HCM. Trước đó bác sĩ Lư Doanh Doanh làm việc 10 năm tại chương trình HIV do chính phủ Mỹ tài trợ cho Việt Nam. Khi còn ở Việt Nam, bác sĩ Doanh mơ ước sau này trở thành bác sĩ để đến các vùng quê Việt Nam giúp đỡ cho những người nghèo. Hay như GS. Vũ Hà Văn, hiện là GS tại trường ĐH danh tiếng Yale, cộng tác với Vingroup trong tháng 8-2018 trong chương trình thành lập Viện nghiên cứu dữ liệu.

Tuy nhiên cũng có một số tri thức Việt kiều không được trọng dụng vì yếu tố luật Việt Nam hạn hẹp hay niềm tin chưa có. Điển hình là GS. Trương Nguyện Thành không được Bộ Giáo Dục phê duyệt là Hiệu trưởng ÐH Hoa Sen theo luật giáo dục Việt Nam. 

Dựa trên tình hình thực tế hiện nay, chính sách của Chính phủ cần thông thoáng và thực tiễn hơn trong việc kết nối chuyên gia Việt kiều với chuyên gia trong nước. Chúng ta cũng hiểu rằng trí thức Việt kiều sinh trưởng tại Mỹ có tư duy làm việc và nhận thức chính trị nhiều khi khác với người trong nước.

Có thể đây là một trở ngại trong việc kết nối chuyên gia Mỹ-Việt. Biết rằng chúng ta đến từ những sự khác biệt về tư duy làm việc hay nhận thức về chính trị, nhưng trên hết vì quyền lợi đất nước, chúng ta học hỏi để hiểu biết và có niềm tin lẫn nhau.

Việt Nam cần xây dựng một chương trình kết nối chuyên gia Việt-Mỹ hiệu quả, cần có hội thảo hàng năm về đề tài khoa học và mô hình hoạt động. Những hội thảo hàng năm sẽ thu hút Việt kiều tham gia, tìm hiểu và từ đó họ dấn thân vào việc đóng góp cho đất nước.

Ngoài giới chuyên gia và học giả Việt-Mỹ, hội thảo cần có sự tham gia của các công ty hàng đầu, ngân hàng, viện nghiên cứu Việt Nam. Công ty và viện nghiên cứu là nơi đưa ra những nhu cầu cho các chuyên gia Việt-Mỹ làm việc.

Việt Nam vẫn chưa có công ty công nghệ đại diện cho hình ảnh Việt Nam trong khu vực hoặc tầm vóc quốc tế. Những công ty công nghệ cao sẽ tạo sức mạnh làm gia tăng GDP và kéo cả nền kinh tế tăng cao.

Trên thực tế, trong 10 công ty hàng đầu Việt Nam chỉ có 2 công ty dính dáng chút công nghệ là dầu khí Petrolimex và sắt thép Hoà Phát, còn lại là dịch vụ ngân hàng, thực phẩm và bất động sản.

Tiềm năng tri thức Việt kiều tại Mỹ hay các nước khác trên thế giới vô cùng lớn, bản thân các Việt Kiều nhận thức trở về cội nguồn và mong muốn có cơ hội giúp đất nước. Chúng ta sớm có một mô hình kết nối chuyên gia Việt-Mỹ để từ đó đưa tiềm năng của Việt kiều hòa vào sự phát triển của đất nước.

Đọc thêm