Lý do LHQ bị 'đóng băng’ trong cuộc xung đột Israel - Hamas

Theo đài CNN, cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra giữa Israel và phong trào Hamas là thách thức mà tưởng chừng như Liên Hợp Quốc (LHQ) có thể giải quyết, nhưng sự thật thì không phải vậy.

Mỹ liên tục ngăn HĐBA ra tuyên bố chung về xung đột Trung Đông

Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ gồm 15 quốc gia thành viên có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, đối với cuộc bế tắc kéo dài nhiều thập niên này, HĐBA lại không thể làm gì. 

Vào tuần trước, HĐBA đã tổ chức một cuộc họp công khai và ít nhất ba phiên họp riêng kể từ khi cuộc xung đột đầy bạo lực nổ ra ở Israel và Hamas. Đồng thời, các cơ quan nhân đạo và các tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới đã lên tiếng kêu gọi hội đồng làm điều gì đó đối với cuộc xung đột. 

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp trực tuyến bàn về cuộc xung đột Israel - Hamas. Ảnh: CNN

Trong bối cảnh đó, Na Uy đã đệ trình một tuyên bố kêu gọi giảm leo thang trong giao tranh và được nhiều nước khác ủng hộ.

Tuy nhiên, Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn bất kỳ phản ứng chính thức nào của hội đồng, nói rằng họ muốn sử dụng quyền lực ngoại giao của riêng họ để xoa dịu căng thẳng. 

"Mỹ đã làm việc không mệt mỏi thông qua các kênh ngoại giao để cố gắng chấm dứt cuộc xung đột này" - Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield tuyên bố.

Mỹ là một trong năm quốc gia có quyền phủ quyết đối với bất kỳ hành động nào của hội đồng mà họ cho rằng không phù hợp. Theo CNN, những cường quốc trong hội thực hiện quyền kiểm soát các khu vực ảnh hưởng của họ một cách thường xuyên.

CNN cho biết phần lớn trong tổng số 193 quốc gia thành viên của LHQ đều phản đối cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. 

Đại sứ Pakistan tại LHQ Munir Akram cho biết rằng: "Điều đáng tiếc nhất là Hội đồng Bảo an vẫn bị tê liệt trong cuộc khủng hoảng này. Thế giới hy vọng rằng ít nhất hội đồng sẽ kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và ngăn chặn việc giết hại thêm nhiều trẻ em, phụ nữ và nam giới vô tội hơn".

Ngày 17-5, Mỹ tiếp tục chặn tuyên bố của LHQ về xung đột Israel - Hamas, đánh dấu lần thứ ba nước này ngăn cản HĐBA ra tuyên bố chung về cuộc xung đột trên. 

Các quốc gia lớn nhỏ đều biết đây là cuộc chơi và rất rõ ‘luật chơi’. Đó là lý do tại sao rất hiếm thấy các nhà ngoại giao công khai chỉ trích hay có động thái trừng phạt Mỹ. Một số quốc gia không thuộc hội đồng cũng lo sợ về việc công khai tấn công một quốc gia hùng mạnh như vậy. 

Trung Quốc kêu gọi Mỹ “gánh vác trách nhiệm”

Trong một cuộc chỉ trích công khai khá hiếm hoi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ nên tham gia cùng các quốc gia khác để lên tiếng về cuộc xung đột ở Trung Đông. 

"Cho đến nay, HĐBA đã không thể lên tiếng vì sự cản trở của một quốc gia duy nhất. Chúng tôi kêu gọi Mỹ hãy gánh vác trách nhiệm của mình" - ông Vương cho biết.

Trung Quốc đã tham gia một liên minh gồm ba quốc gia cố gắng vượt qua Mỹ bằng cách đưa ra tuyên bố của riêng họ. 

"Na Uy, Tunisia và Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Dải Gaza và về việc số thương vong ở dân thường ngày một gia tăng. Đồng thời, chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay các hành vi thù địch và hãy tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em” - Đại sứ Na Uy tại LHQ Mona Juul cho biết.

HĐBA đã đưa ra nhiều tuyên bố về Trung Đông trong những năm qua nhưng hiếm khi thuyết phục các bên xung đột chấm dứt leo thang căng thẳng.

Ngày nay, khi các tuyên bố của HĐBA được thông qua, nhưng nếu không có sự hậu thuẫn ngoại giao mạnh mẽ và sự sẵn sàng giảm căng thẳng của cả hai bên thì tác động cũng sẽ rất nhỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm