MH17 bị tên lửa do Nga sản xuất bắn rơi

15 tháng sau sự kiện chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi ở miền Đông Ukraine, ngày 13-10 Văn phòng Về an toàn Hà Lan (phụ trách điều phối cuộc điều tra quốc tế) đã công bố kết luận điều tra cuối cùng.

Theo báo Volkskrant (Hà Lan), kết luận điều tra khẳng định chuyến bay MH17 đã bị một tên lửa đất đối không Buk do Nga sản xuất bắn rơi và tên lửa phóng từ khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine.

Ông Tjibbe Joustra, Giám đốc Văn phòng Về an toàn Hà Lan, giải thích máy bay MH17 đã rơi sau khi phát nổ do đầu đạn chạm vào bên ngoài máy bay ở bên trái thân máy bay.

Kết luận điều tra loại trừ khả năng máy bay rơi do nổ bên ngoài, đánh bom hay tên lửa không đối không.

Kết luận điều tra chỉ ra nguyên nhân tai nạn máy bay nhưng không kết luận ai là thủ phạm bắn tên lửa Buk.

Nhà sản xuất tên lửa Buk công bố báo cáo điều tra riêng ở Moscow (Nga) hôm 13-10. Ảnh: RT

Tên lửa Buk được sản xuất từ thời Liên Xô cũ, nổ trực tiếp gần mục tiêu, sau đó hàng loạt mảnh đạn bắn với tốc độ cao vào mục tiêu.

Cùng ngày 13-10, ngay trước khi Hà Lan công bố kết luận điều tra, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Almaz-Antey của Nga (nhà sản xuất tên lửa Buk) đã tổ chức họp báo công bố báo cáo điều tra riêng.

Theo đài truyền hình Nga RT, Tập đoàn Almaz-Antey cho biết đã tổ chức hai cuộc thực nghiệm mô phỏng với chi phí thực hiện đến hơn 10 triệu rúp (hơn 4 tỉ đồng VN).

Trong thực nghiệm, tên lửa Buk được cho nổ gần một máy bay Boeing cũ để xác định bối cảnh xảy ra tai nạn.

Cuối cùng, báo cáo điều tra khẳng định tên lửa phóng từ khu vực do quân đội chính phủ Ukraine kiểm soát đã bắn rơi máy bay MH17.

Đây là loại tên lửa đời cũ Buk 9M38 do Liên Xô (cũ) sản xuất năm 1986 và quân đội Ukraine có trang bị. Tên lửa có liên quan không còn được quân đội Nga sử dụng từ năm 2011.

Giả định đó là tên lửa 9M38M1 thì các điểm nổ do mảnh đạn gây ra có hình dạng như con bướm trong khi trên máy bay MH17 không có các dấu vết như thế.

Tổng Giám đốc Yan Novikov trình bày: “Chúng tôi đã mô phỏng hình ảnh ba chiều để nhận diện xem yếu tố nào có thể đập vào thân máy bay”.

Nếu tên lửa phóng đi từ Zaroshchenskoie, tối thiểu có 22 mảnh đạn chạm vào máy bay. Còn nếu tên lửa bắn đi từ Snezhnoie thì không có mảnh nào chạm đến cánh trái mà chỉ có thể trúng thân bên phải.

Kết quả thực nghiệm cho thấy các lỗ thủng do trúng mảnh đạn cũng đều ở bên phải máy bay. Tình trạng máy bay MH17 bị tai nạn giống như thế.

Tập đoàn Almaz-Antey nghi ngờ kết quả điều tra của Hà Lan vì Hà Lan chỉ đưa ra hai mảnh đạn trong khi kết quả thực nghiệm tìm thấy đến ba mảnh đạn và tên lửa 9M38 (đời cũ) đều có thể vỡ thành ba mảnh như thế.

Tập đoàn Nga đã mời cơ quan điều tra của Hà Lan đến Nga để xác minh báo cáo của tập đoàn nhưng không thành công.

Từ ngày 25-10 tới, Ukraine sẽ cắt đứt toàn bộ quan hệ hàng không với Nga. Máy bay Nga không được hạ cánh ở Ukraine mà chỉ có thể bay ngang. Bộ Giao thông Nga cũng đã ban hành chỉ thị cấm máy bay Ukraine tương tự. Hiện có bốn hãng hàng không Nga bay trực tiếp đến Ukraine gồm Aeroflot, Transaero, Sibir và Rossia. Như vậy du khách chỉ có thể đi lại giữa hai nước bằng tàu hỏa, ô tô hoặc bay không trực tiếp.

_____________________________________

298 người đi trên chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bay từ Amsterdam (Hà Lan) đi Kuala Lumpur (Malaysia). Trong đó 2/3 là công dân Hà Lan. Máy bay rơi ngày 17-7-2014 ở miền Đông Ukraine. Ngày 13-10, luật sư đại diện 76 gia đình nạn nhân thông báo có thể sẽ kiện Nga và Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm