Một kiểu hăm dọa mới của Trung Quốc

Biển Đông có nguy cơ trở thành “ao nhà” của Trung Quốc vào năm 2030 bởi Trung Quốc đang nỗ lực chế tạo tàu sân bay và xây dựng hải quân viễn dương. Báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Mỹ đã đưa ra cảnh báo như trên.

CSIS soạn thảo báo cáo trên theo sự ủy nhiệm của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trước đó, Quốc hội Mỹ muốn có một bản đánh giá độc lập về chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Báo Business Insider ngày 20-1 (giờ địa phương) dẫn báo cáo của CSIS dự báo Trung Quốc sẽ có nhiều đội tàu sân bay trong khu vực vào năm 2030. Từ đó Trung Quốc có thể áp chế các quốc gia khác mà không cần hành xử theo kiểu hăm dọa công khai như lâu nay.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc thừa nhận đang chế tạo tàu sân bay thứ hai (sau khi sửa tàu sân bay cũ Liêu Ninh) và sẽ xuất xưởng nhiều tàu sân bay nữa nhằm mở rộng tầm hoạt động của quân đội và chú trọng đến “các hoạt động an ninh phi truyền thống”.

Viện dẫn sách trắng của Trung Quốc, báo cáo của CSIS ghi nhận: Trong tương lai quân đội Trung Quốc sẽ hoạt động vượt khỏi chuỗi đảo thứ nhất (kéo dài từ phía bắc nước Nhật đến Philippines).

Các chuyên gia CSIS cho rằng để thực hiện mô hình mở rộng tầm hoạt động của quân đội thì đầu tư lớn cho công tác phát triển và triển khai các nhóm tàu sân bay là điều mà Trung Quốc đang và sẽ đẩy mạnh.


Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull thăm Trân Châu cảng. Ảnh: ABC NEWS

Báo cáo của CSIS nhận định: “Đối với các bên tranh chấp ở biển Đông, đây là hành động sẽ thay đổi cục diện. Gần như sẽ luôn có một nhóm tàu sân bay Trung Quốc hiện diện tại vùng biển tranh chấp”.

Báo cáo ghi nhận điều này sẽ tạo ra rủi ro đáng kể cho hoạt động của hải quân Mỹ ở biển Đông trong tương lai.

Trong khi đó, báo cáo ghi nhận chiến lược tái cân bằng của Tổng thống Obama vừa không được giải thích đủ rõ, vừa không đủ nguồn lực để đối phó với các mối đe dọa ngày một gia tăng từ Trung Quốc và từ CHDCND Triều Tiên.

Các chuyên gia CSIS cho rằng chiến lược tái cân bằng của Mỹ cần được quan tâm hơn và bổ sung nguồn lực, đặc biệt khi Bắc Kinh tăng tốc “các hoạt động cưỡng chế”, bồi đắp đảo nhân tạo ở biển Đông và biển Hoa Đông, còn Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển năng lực tên lửa hạt nhân và đạn đạo.

Chiến lược tái cân bằng được cho là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng khác (bao gồm xung đột Trung Đông, Nhà nước Hồi giáo tự xưng và căng thẳng với Nga) đã cuốn hút sự chú ý của Nhà Trắng.

Nhằm đối phó với các nguy cơ đang gia tăng từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, các chuyên gia CSIS khuyến nghị Mỹ nên duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường nỗ lực nhằm củng cố năng lực của các đồng minh và đối tác.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã kết thúc chuyến thăm Mỹ bằng bữa ăn điểm tâm ở Hawaii với Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương, hôm 20-1. Bộ chỉ huy Thái Bình Dương ra thông cáo cho biết hai bên đã thảo luận về quan hệ đồng minh, các vấn đề an ninh khu vực và vai trò then chốt của Úc trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Trước đó, phát biểu tại Washington, ông cảnh báo Trung Quốc phải dừng xây dựng đảo nhân tạo và ý đồ quân sự hóa ở đó. Báo The Australian Financial Review (Úc) đưa tin chính phủ Úc dự kiến sẽ tiếp tục tố cáo công khai nỗ lực tôn tạo của Trung Quốc.

_______________________________________

Những hành động của Trung Quốc và Triều Tiên đang liên tục thách thức độ tin cậy của các cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực. Với tốc độ phát triển năng lực quân sự hiện tại của Mỹ, cán cân quyền lực quân sự trong khu vực đang dịch chuyển theo hướng bất lợi cho Mỹ.

Báo cáo của Trung tâm
Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm