Ắc quy dễ nổ nếu dùng cùng bộ kích điện

Một vụ nổ xảy ra khoảng 21 giờ ngày 1/6 tại nhà ông Phạm Quyết Thắng (xóm 2, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) khi ông sử dụng bình ắc quy để kích điện sinh hoạt trong nhà. Do trời nóng và mất điện nên gia đình ông dùng bình ắc quy và bộ kích điện chạy bóng đèn chiếu sáng và quạt điện.

Khi đang ngủ, bất ngờ bình ắc quy phát nổ, nước axit bắn ra khiến cả 8 người đang nằm (gồm 2 người lớn và 6 trẻ em) đều bị bỏng nặng.

Theo ThS Đặng Việt Anh Dũng, bộ  môn Công nghệ Điện hóa và Bảo vệ kim loại, khoa Công nghệ Hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội), nguyên nhân nổ bình ắc quy ở nhà người dân có thể do sau một thời gian sử dụng, vỏ bình ắc quy sẽ bị mỏng dần, cùng với mạch điện bị chập sinh ra dòng điện chạy trong bình ắc quy lớn và làm nóng bình.

Lúc nhiệt độ lên cao quá mức, dung dịch nước và axit trong bình ắc quy sẽ nở ra, đánh tung và bắn ra ngoài (đặc biệt khi van khí an toàn bị tắc).

Khi sử dụng kết hợp với máy kích điện, nếu bộ kích điện có công suất lớn so với ắc quy, ắc quy sẽ phải hoạt động quá công suất, dễ gây hỏng ắc quy và xảy ra các sự cố. Với những máy kích điện không có chế độ bảo vệ ắc quy yếu, chế độ bảo vệ ngắn mạch thì nguy cơ xảy ra nổ ắc quy lại càng cao.

Theo các chuyên gia, dung dịch được sử dụng trong bình ắc quy nước là axit sunfuric với nồng độ từ khoảng 20 - 30%. Đây là loại axit mạnh, khi bị làm nóng lên tính oxy hóa càng mạnh hơn nên khi bị nổ dung dịch này bắn vào người gây bỏng là hoàn toàn dễ hiểu. "Sau một thời gian sử dụng, bị làm nóng nên lượng nước có trong bình ắc quy bị bay hơi dung dịch axit càng đậm đặc hơn (đặc biệt khi nạp ắc quy không đúng cách dung dịch cạn rất nhanh), vì thế độ bỏng càng nặng", ThS Anh Dũng cho hay.

Để sử dụng an toàn và phòng chống nổ bình ắc quy khi sử dụng, theo các chuyên gia, các gia đình nên mua thiết bị và ắc quy ở cửa hàng chính của công ty để được tư vấn sử dụng đầy đủ, chính xác.

Không phóng điện ắc quy quá sâu như khi điện áp bình ắc quy 12V xuống thấp đến 10,8V là nên ngừng phóng điện và bắt đầu nạp bổ sung. Khi mực nước trong bình cạn dưới mức cho phép, cần bổ sung ngay.

Bình ắc quy phải để nơi an toàn như không gần bình gas, không gần nguồn nhiệt, thoáng mát tản nhiệt tốt, cách xa nơi sinh hoạt ăn, ngủ. Tránh kéo lê hay va chạm làm xước mòn bình, mạch điện phải tách riêng ra tránh quấn chập. Phát hiện nguy cơ nổ khi vỏ bình bị phồng, dung dịch bị cạn. Đặc biệt đối với thiết bị kích điện cần có các chế độ: Chế độ dòng nạp ắc quy, chế độ bảo vệ quá tải, bảo vệ ngắn mạch, bảo vệ ắc quy yếu.
 

"Cách xử lý giai đoạn  đầu bị bỏng axit do nổ bình ắc quy là nên tắm, rửa chỗ bị bỏng bằng nước xà phòng cho bệnh nhân để làm trôi các chất axit còn bám lại trên da. Không được bôi nước muối hay các dung dịch gì  khác lên vết thương và đưa tới bệnh viện để bác sĩ điều trị".

KS Nguyễn Cao Sơn
Theo Hiền Trần ( KHĐS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm