Bị kết án vẫn tại chức

Điều này khiến người dân vô cùng bức xúc và nghi ngờ về mong muốn cũng như quyết tâm của Tổng thống Hamid Karzai trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, ông Abdul Ahad Sahebi bị buộc tội đã ký kết một hợp đồng mà không tiến hành thủ tục mời thầu cạnh tranh, làm thiệt hại cho ngân sách 800.000 đồng Afghan (hơn 16.000 USD) và khoản chênh lệch này, theo điều tra, đã rơi vào túi riêng của ông thị trưởng TP. Vì thế, ngoài hình phạt tù, Tòa án còn yêu cầu ông phải hoàn lại số tiền chênh lệch, đồng thời từ nhiệm ngay để chấp hành án phạt.

Bị kết án vẫn tại chức ảnh 1

Thị trưởng TP Kabul Abdul Ahad Sahebi

Ông Sahebi đã không tới dự phiên tòa xét xử mà ủy quyền cho luật sư riêng của mình, tuy nhiên, bản án dành cho ông vẫn được tuyên. Phản ứng trước phán quyết của Tòa án Tối cao TP Kabul, ông Sahebi khẳng định: “Tôi là Thị trưởng và tôi sẽ tiếp tục công việc của tôi. Tôi không chấp nhận quyết định của Tòa án TP và tôi sẽ chờ phán quyết của cấp tòa cao hơn. Tôi không hề làm sai. Đây rõ ràng là một hành động hãm hại nhằm vào tôi”.

Các thẩm phán cho biết: “Trong thời gian tới, tòa sẽ tiếp tục bổ sung hồ sơ về những cáo buộc đối với ông thị trưởng cho các tội danh: Tham nhũng, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức vụ quyền hạn. Nếu đầy đủ bằng chứng, ông Shahebi có thể sẽ chịu thêm những hình phạt nặng hơn”.

Bản án đối với ông Abdul Ahad Sahebi được đưa ra vào thời điểm Tổng thống Hamid Karzai vừa tái đắc cử và đang chịu nhiều sức ép từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ phía Mỹ, trong việc mạnh tay dẹp bỏ tệ nạn tham nhũng hiện đang hủy hoại đất nước này. Mỹ tuyên bố số tiền hỗ trợ tái thiết và chống khủng bố dành cho Afghanistan trong thời gian tới sẽ được giải ngân với những điều kiện bắt buộc. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng từng nói, Mỹ sẽ không tiếp tục trợ giúp tài chính cho Chính phủ mới của Afghanistan, nếu bộ máy này vẫn chưa đủ mạnh để chống lại tệ nạn tham nhũng.

Để làm được điều này, theo yêu cầu của Mỹ, các bộ trưởng trong Chính phủ mới của Afghanistan phải là những chuyên gia giỏi về lĩnh vực mình phụ trách và phải là người chưa từng dính líu tới tham nhũng, chứ không phải là những cộng sự “thân tín” của ông Karzai. Việc này rõ ràng đòi hỏi Quốc hội Afghanistan phải thực sự sáng suốt trong việc biểu quyết lựa chọn thành viên mới của Chính phủ. Đó phải là những người đủ tài lực để đưa bộ máy này sớm đi vào hoạt động và hành động ngay chống khủng bố, tái thiết đất nước và diệt trừ tệ nạn tham nhũng.

Tổng thống Afghanistan cũng hứa sẽ kiên quyết chống lại tệ nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền, đồng thời đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ Chính phủ cả về vật lực và nhân lực trong cuộc chiến này. Tổng thống Karzai khẳng định vấn đề tham nhũng ở Afghanistan chưa đến mức trầm trọng như tuyên bố của cộng đồng quốc tế. Dù vậy, “đây là trách nhiệm của Chính phủ mới và chúng tôi sẽ làm triệt để”, ông Karzai nói.

Theo NHẬT ANH (Thanh tra PCTN/ AP, AFP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm