EADS Astrium xây nhà máy điện mặt trời trên vũ trụ

Giám đốc điều hành của Astrium, ông François Auque, nói rằng hệ thống này đang trong giai đoạn thử nghiệm, song cũng nhấn mạnh hãng có thể sớm hoàn thành một hệ thống khả thi nhằm thu và truyền năng lượng từ vũ trụ.

Theo ông Auque, sản xuất năng lượng mặt trời là ý tưởng hấp dẫn vì đây là dạng năng lượng sạch và vô hạn.

EADS Astrium xây nhà máy điện mặt trời trên vũ trụ ảnh 1

Không giống như các nhà máy điện mặt trời trên Trái Đất, các thiết bị hấp thu năng lượng mặt trời trên quỹ đạo có thể hoạt động cả ngày, không chịu sự tác động của mây, các loại bụi và khí trong khí quyển.

Điều đó có nghĩa là mức năng lượng được các tấm quang điện hấp thu trong khí quyển sẽ lớn hơn nhiều so với các tấm quang điện trên mặt đất.

Astrium đã thử nghiệm quá trình truyền năng lượng bằng laser hồng ngoại và nay hãng đang tập trung vào nâng cao độ hiệu quả của hệ thống với hy vọng đạt được 80% hiệu quả trong quá trình chuyển hóa năng lượng hồng ngoại nhận được thành điện năng.

Giám đốc công nghệ của Astrium, ông Robert Laine, cho biết hiện mức năng lượng được xử lý trong hệ thống của hãng này đang chịu sự hạn chế bởi kích cỡ của tia laser có thể tạo ra được.

Theo ông, cần thành lập một phái đoàn để đánh giá tính hiệu quả của hệ thống và quá trình này có thể diễn ra trong vòng thập kỷ này.

Khái niệm tận dụng năng lượng mặt trời trong vũ trụ đã được bàn thảo trong ít nhất 3 thập kỷ qua, song dường như người ta hầu như không thể khắc phục vấn đề về thất thoát năng lượng trong khi truyền về Trái Đất hay vấn đề về chi phí cũng như khó khăn trong việc lắp ráp một khối lượng lớn các tấm thu năng lượng mặt trời trong vũ trụ.

Tuy nhiên, Astrium không phải là công ty duy nhất sắp biến ý tưởng này thành hiện thực.

Hồi tháng 9-2009, Nhật Bản cũng công bố kế hoạch đến trước năm 2015 sẽ đưa một vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo để thu năng lượng mặt trời rồi truyền điện về Trái Đất bằng vi sóng.

Theo Huy Lê (Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm