Hội những người đa thê

Ông tự phong “chức” phó chủ tịch hội những người đa thê và ghi chức danh lên danh thiếp hẳn hoi, trên đó có một câu trong kinh Coran cao quý: “Thì hãy tận hưởng điều mà đàn bà mang lại cho các người; hai, hoặc ba, hoặc bốn (vợ)”.

Hội những người đa thê ảnh 1

Ảnh: aljazeera.net

Trên danh thiếp có logo hình một vầng trăng khuyết (biểu tượng của Hồi giáo) ôm trọn bốn ngôi sao với màu sắc khác nhau. Ông Abu Galous cho biết hình trăng khuyết là người đàn ông, bốn ngôi sao là số vợ mà Allah cho phép đàn ông “được hưởng” cùng lúc. “Tôi cố ý thể hiện bốn ngôi sao với màu sắc khác nhau, bởi đàn bà rất... đa dạng” - ông giải thích.

Ông Abu Galous không giấu giếm rằng hội của mình mới chỉ là giả tưởng. Sở dĩ ông chỉ tự nhận chức phó vì biết có một vị khác xứng đáng hơn làm chủ tịch: đó là ông Odeily Sa’oudi với 20 đời vợ và hơn 60 người con!

Khi Abu Galous đang tiếp phóng viên, hơn một chục đứa trẻ ùa vào tranh nhau hôn và ngả vào lòng cha (ảnh). Ông nói trong số này có cả con của những bà vợ đã ly hôn nhưng các bà này vẫn chọn ở lại trong nhà ông. Abu Galous bộc bạch: “Chúa chứng giám cho việc tôi đối xử bình đẳng với tất cả con cái và chu toàn trách nhiệm với hết thảy các bà vợ”. Ông còn phê phán những người đàn ông không dám đa thê, coi đó là “những kẻ hèn nhát”. Ông nói có người không dám nhận cả danh thiếp hội của ông vì sợ bị vợ nhìn thấy!

Abu Galous cho rằng phụ nữ tôn trọng quyền đa thê của chồng tức là “tôn trọng điều Đức Allah ban cho loài người”. Ông kêu gọi tất cả các đấng nam nhi, “ai có khả năng tiền tài, sức lực và đảm bảo công bằng với các bà vợ” thì hãy đa thê. Một trong những tiêu chí của hội đa thê giả tưởng này là giải quyết tình trạng phụ nữ ế chồng.

Theo tài liệu của “Hội kết hôn từ thiện”, tại Jordan có hơn 100.000 phụ nữ đến tuổi 35 mà vẫn chưa chồng. Abu Galous cho rằng triết lý phương Tây “một vợ một chồng” nhưng lại chấp nhận tự do tình dục là hủ bại. Còn chế độ đa thê với các quy tắc đạo đức buộc người chồng phải có trách nhiệm đảm bảo đời sống cho các bà vợ và đối xử bình đẳng với họ là “nhân đạo” đối với phụ nữ và phù hợp với “quy luật cung cầu”.

Theo N.N.HÙNG (TTCT, aljazeera.net)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm